Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:27 (GMT +7)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Thứ 4, 08/12/2021 | 15:52:19 [GMT +7] A A
Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng mở ra giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị lần thứ 4 vừa qua, Trung ương nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới.
Với Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Trung ương đặt ra yêu cầu tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm là giải pháp căn cơ, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm.
Tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác “nhạy cảm”
Kế thừa thành quả của nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận số 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài; chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm từ khi mới phát sinh...
Qua các vụ việc tổ chức đảng, đảng viên vi phạm gần đây đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020; Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025… cho thấy, hầu hết sai phạm đều thuộc các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm; liên quan trực tiếp người đứng đầu và trách nhiệm người đứng đầu; với mức độ, nội dung, tính chất nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Nhiều sai phạm trong cùng một vụ việc. Một cá nhân liên quan nhiều sai phạm, vừa thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, tham ô, tham nhũng, vừa thiếu tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống…
Điển hình như Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả vi phạm, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020. Liên quan trực tiếp các sai phạm,12 vị tướng đã nhận các hình thức kỷ luật từ cách chức đến khai trừ, 2 tướng nhận kỷ luật cảnh cáo và khiển trách.
Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy, có nhiều sai phạm, tiêu cực xảy ra trong một số lĩnh vực khó, mới đối với công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, với quyết tâm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đội ngũ những người làm công tác kiểm tra đã hoàn thành không ít việc khó, chưa có tiền lệ.
Từ thực tiễn của tỉnh Hà Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy luôn tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với tinh thần “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều vụ việc khó khăn phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm đã được xem xét, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chương trình kiểm tra, giám sát được xây dựng theo nhiệm kỳ, phân công các đồng chí ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn, lĩnh vực giám sát thường xuyên, nắm bắt thông tin và kịp thời xử lý.
Bài học kinh nghiệm được chia sẻ, đó là tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề; làm bài bản, chặt chẽ, khoa học, đến đâu chắc đến đó, phát hiện sớm, xử lý từ đầu không để tích tụ thành sai phạm lớn, ngăn ngừa vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người…
Trách nhiệm cấp ủy và vai trò người đứng đầu
Nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động tự phát hiện vụ việc, dấu hiệu vi phạm trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là thước đo, đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu. Theo Kết luận số 21, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực phải bắt đầu từ nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Theo đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm nêu gương…
Kinh nghiệm từ tỉnh Thái Nguyên được ghi nhận với kết quả được đánh giá là khá toàn diện, nhiệm kỳ qua đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án, vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng đã góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Theo đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành gần 60 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Đề án số 07 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2016-2020. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành quy định Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp; thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý kiến nghị, phản ánh của người dân. Qua đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được phát hiện sớm, đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh. Nhiệm kỳ qua, ngành Thanh tra của tỉnh tiến hành hơn 500 cuộc, phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi hơn 39 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 80%; kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 23 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Khẳng định vị trí, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, dù đã cố gắng nhưng đây vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, tiêu cực. Nêu thí dụ trong 25 vụ tham nhũng từ năm 2013 đến 2020, đã được các cơ quan chức năng tỉnh phát hiện, thụ lý và xử lý, kể cả khi bản án đã có hiệu lực, chưa có trường hợp người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng bị xử lý kỷ luật theo quy định, trong số đó, hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra chỉ phát hiện ba vụ.
Để khắc phục hạn chế, theo đồng chí Trần Hải Châu, cần nâng cao nhận thức, phát huy và đề cao vai trò người đứng đầu đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Người đứng đầu cần thực hiện tốt công tác này theo quy định với tinh thần kiên quyết, kiên trì, hiệu quả. Người đứng đầu cần thực thi trách nhiệm nêu gương, đúng với phương châm, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy gương mẫu hơn đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Cùng với đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu theo nguyên tắc, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát để ngăn ngừa lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để tham nhũng…
Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu nêu gương, tự tu dưỡng, rèn luyện tác phong, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chỉ đạo và quyết tâm tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; duy trì hiệu quả hoạt động đối thoại với công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì ở đó, tình hình ổn định, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân và nâng cao vị thế, uy tín người đứng đầu.
Phối hợp thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả
Kết quả đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực là kết quả của sự phối hợp triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đó là sự phối hợp giữa các cấp trong một ngành, giữa các đơn vị trong một cơ quan và giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự phối hợp chặt chẽ nhằm chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…
Tiếp nối bài học kinh nghiệm quý, các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng phối hợp nhịp nhàng, kế thừa thành quả quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nhiều nhiệm kỳ trước; sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự báo những nguy cơ tác động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, sắp tới cần phải tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, lĩnh vực kinh tế-tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; bị nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ. Tập trung chỉ đạo kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng…
Chỉ đạo của Tổng Bí thư làm sáng rõ hơn nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()