Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:36 (GMT +7)
Kiến nghị không quy định giá trần vé máy bay nội địa
Thứ 6, 18/08/2023 | 08:41:28 [GMT +7] A A
Hãng hàng không Vietjet đề nghị không quy định giá trần và giá sàn vé máy bay nội địa, tăng tỉ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không lên 49% thay vì không quá 34% như hiện nay.
Các đề nghị bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay được Vietjet đưa ra khi góp ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi). Hồ sơ đã được Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo Vietjet, Luật Giá hiện quy định áp dụng giá trần đối với vé máy bay phổ thông nội địa. Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến sửa đổi thông tư về khung giá vé máy bay nội địa.
Nhưng theo đánh giá của Vietjet, việc sửa đổi khung giá trần vé máy bay vẫn chưa được điều chỉnh theo đúng thực tế của thị trường, do đó các hãng hàng không sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối hiệu quả kinh doanh.
Trong khi các nước trong khu vực không quy định về giá trần và giá sàn. Theo đặc thù hoạt động kinh doanh, giá vé sẽ thay đổi tùy theo cung cầu thị trường, mùa vụ và thời gian bay. Vì vậy, Vietjet kiến nghị xem xét bỏ quy định giá trần và giá sàn.
Việc này rất quan trọng, giúp các hãng hàng không có đủ nguồn lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể nguồn lực của các hãng. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh với các hãng hàng không trên thế giới.
Vietjet kiến nghị sửa đổi quy định, nâng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không Việt Nam lên mức 49% thay vì không quá 34% vốn điều lệ như hiện nay. Việc này nhằm để các hãng hàng không Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Vietjet, quy định nhà đầu tư nước ngoài nắm không quá 34% vốn điều lệ tại hãng hàng không Việt Nam nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của các cổ đông Việt Nam đối với các quyết định quan trọng của doanh nghiệp hàng không.
Tuy nhiên, quy định này khiến các hãng hàng không đã niêm yết gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán; không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn chuyển giao vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý để phát triển các hãng hàng không trong nước.
Vietjet cho rằng đề cương dự thảo Luật Hàng không đang xem xét đưa cơ chế kiểm soát, định hướng, báo cáo nhà chức trách Việt Nam về việc đặt mua máy bay của các hãng là không phù hợp.
Ý tưởng này có thể xuất phát từ yêu cầu quản lý, điều tiết quy mô đội máy bay của các hãng nội địa trong bối cảnh cơ sở hạ tầng hàng không đang bị quá tải, tụt hậu.
Nhưng theo quan điểm của Vietjet, việc kiểm soát kế hoạch đặt mua máy bay của các hãng chưa phù hợp với xu hướng hội nhập kinh doanh, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo luật định.
Mặt khác, việc mua máy bay của Vietjet ngoài phục vụ mục đích phát triển đội máy bay tự khai thác còn cho mục đích kinh doanh dưới hình thức bán và thuê lại máy bay theo thông lệ thế giới, phù hợp với quy định của Việt Nam.
Do vậy, Vietjet kiến nghị đưa ra cơ chế cho phép các hãng được phép báo cáo kế hoạch phát triển đội máy bay hằng năm và Bộ Giao thông vận tải sẽ duyệt tổng thể. Từ đó, các hãng sẽ chủ động tuân thủ theo các quy định, quy hoạch hàng không của đất nước.
Bổ sung chế tài để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về nhân lực hàng không
Góp ý với Bộ Giao thông vận tải về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng, Vietnam Airlines đề nghị quy định rõ: đối với các hãng hàng không mới gia nhập thị trường hoặc đang khai thác, khi phát triển đội bay phải có kế hoạch đảm bảo tự phát triển được tối thiểu 50% nguồn nhân lực là phi công, kỹ sư máy bay, cán bộ quản lý.
Đồng thời bổ sung chế tài các hãng hàng không vi phạm và thực hiện nghiêm khắc để hạn chế cạnh tranh nguồn nhân lực không lành mạnh.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()