Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:46 (GMT +7)
Kiên định sự nghiệp đổi mới dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga
Thứ 7, 06/11/2021 | 09:19:00 [GMT +7] A A
Hơn một thế kỷ trôi qua nhưng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt với cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm chủ yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn.
Cách đây 104 năm (7/11/1917), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin vĩ đại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga vùng dậy khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên nhà nước Xô Viết. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga trở thành một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, đó là sự ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người.
Bằng việc đánh đổ chủ nghĩa đế quốc ở ngay “chính quốc”, thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã chính thức xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng và đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi, Quốc tế III ra đời, đã định ra xu hướng thời đại: Giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” [1]. Tháng 7/1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I.Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến nhận thức rõ ràng về con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam. Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.
Lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn chính xác khi Người quyết định dứt khoát ngay từ đầu là hướng theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, lựa chọn Chủ nghĩa Mác-Ăngghen-Lênin làm kim chỉ nam cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn một thế kỷ trôi qua, nhưng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt với cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm chủ yếu của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản; về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; về thiết lập và củng cố khối liên minh công nông; về phương pháp bạo lực cách mạng; về xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản… đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Từ ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; đó là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đó còn là thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước…
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp nối những thắng lợi rực rỡ của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta tiếp tục kiên định sự nghiệp đổi mới, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu đã chọn và những quyết sách đúng đắn, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, trong đó nguyên nhân quan trọng quyết định thắng lợi ấy là Đảng ta đã luôn kiên định lập trường tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này càng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22/10/20218 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Đảng ta, một mặt khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặt khác, luôn nêu cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện tốt công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, kết hợp hiệu quả giữa “xây” và “chống”, quan tâm đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” , bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phqáp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta cũng đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống và sức khỏe nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh; từ đó càng củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Tin rằng, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sự kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng ta sẽ ngày càng tăng cường được sức mạnh, sức chiến đấu và sự trong sáng, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của Nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước; để đến giữa thế kỷ XXI, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thực hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Theo dangcongsan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()