Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:37 (GMT +7)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - Mục tiêu, lý tưởng và lẽ sống của chúng ta
Thứ 2, 30/08/2021 | 16:26:42 [GMT +7] A A
Trong hoàn cảnh hiện thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa, hưởng ứng, truyền cảm hứng bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Ảnh minh hoạ: Phạm Cường |
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, một số người đã vội hý hửng rằng, sự sụp của đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là “sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - Lênin”, là “sự sụp đổ của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga” vĩ đại. Trong các nội dung về chủ nghĩa xã hội thì vấn đề lý luận và thực tiễn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn được những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, họ cố tình công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta từ nhiều phía.
Vì sao họ lại xoáy vào bài xích, xuyên tạc, phủ nhận những vấn đề lý luận và thực tiễn nóng bỏng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là lý luận về đường lối đổi mới, về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì sao họ lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh tình hình mới, đẩy mạnh nghiên cứu, truyền cảm hứng và lan tỏa bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phát triển quan điểm, tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư, chúng tôi phân tích, làm rõ hơn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để khẳng định lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.
Luận giải về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã có nhiều cách tiếp cận, lập luận, giải đáp khác nhau; phần lớn là các quan điểm đồng tình, ủng hộ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Song cũng có không ít quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta về đường lối đổi mới, rõ nhất là luận điệu sai trái cho rằng, ở Việt Nam cần phải lựa chọn con đường khác chứ không phải là tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội!
Họ lập luận rằng: Thay đổi mục tiêu, con đường, định hướng phát triển đất nước lúc này là rất cần thiết. Có thay đổi thì ở Việt Nam mới thật sự có đổi mới; người Việt Nam sẽ có điều kiện để hội nhập quốc tế, mau chóng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, trở thành “con rồng, con phượng ở châu Á”. Theo họ, con đường đi “ngắn nhất, phù hợp nhất” đối với Việt Nam thời điểm nay hoàn toàn không phải như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu mà là bắt tay “làm ăn” với các nước tư bản phát triển, nhờ sự giúp đỡ của các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trên thế giới để phát triển đất nước. Họ đưa ra nhiều luận cứ khác nhau để chứng minh cho luận điểm, rằng hầu hết các nước trước đây đã từng là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu như Balan, Hunggari, Bungari,... nhưng đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã bắt tay với Mỹ, gia nhập khối NATO, được các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn trợ giúp nên họ đã “lột xác”, phát triển thần tốc, đã thay da đổi thịt, mang bộ mặt hoàn toàn mới, đất nước phồn vinh, người dân đã đổi đời, có cuộc sống sung sướng; từ đó khẳng định “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử”, là “sự thật khách quan”, sự lựa chọn duy nhất đúng đắn.
Theo họ, “đổi mới như vậy mới thực là đổi mới”, “cách đi như vậy mới thật sự đúng đắn, hợp thời”. Một mặt, tránh được sự bao vây, phong tỏa, cấm vận của một số nước lớn, tạo được môi trường “hòa bình, ổn định” để mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế để Việt Nam phát triển bền vững. Hơn thế nữa, đó là “tính ưu trội vốn có của một nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ thấp so với các nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ phát triển cao” là các nước lớn G7, G20. Nhờ “bước phát triển đột phá ấy”, Việt Nam sẽ sớm chuyển mình, “lột xác”, chấm dứt sự lạc hậu, yếu kém, nhanh chóng vươn lên thứ hạng cao, sánh vai với các quốc gia hàng đầu, trở thành nước phát triển. Đó là cái cách giúp Việt Nam nhanh chóng thu hút vốn đầu tư; phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và chuyên gia của mọi lĩnh vực được tăng cường, không cần phải chờ đợi quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia và tích lũy vốn dài lâu. Với cách đi này, Việt Nam vừa không phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài, giữ được Biển Đông; vừa có điều kiện để tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.
Không dừng ở đó, họ còn cho rằng, nếu Việt Nam bắt tay “làm ăn”, hợp tác với các nước lớn, gia nhập khối NATO thì đó là thời cơ, điều kiện tốt nhất để giảm chi phí quốc phòng, an ninh, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu có, phồn vinh, quân đội hiện đại, không cần chờ đến 2030 mới xây dựng quân đội hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Sự hùng mạnh của quốc gia - dân tộc nhờ sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước sẽ có thêm điều kiện bảo đảm xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Cùng hướng với quan điểm sai trái, lệch lạc này là một số ý kiến tự cho mình là “cấp tiến” khi cho rằng, tham gia khối NATO là cái đảm bảo chắc chắn nhất để có độc lập chủ quyền quốc gia - dân tộc Việt Nam. Thậm chí, sự lớn mạnh của đất nước sẽ là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp, răn đe các nước có mưu đồ thôn tính Biển Đông của Việt Nam, làm thui chột âm mưu xâm chiếm biển, đảo của họ…
Với những lập luận về “cái được”, “cái mất” nêu trên, những người có quan điểm “cấp tiến” đã gửi “tâm thư”, “huyết thư” kiến nghị với Đảng, Nhà nước ta phải đẩy nhanh quá trình đổi mới tư duy và mạnh dạn huỷ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin để sớm kết thúc thời kỳ quá độ gián tiếp đầy đau khổ hiện nay mà nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang gây ra. Theo họ, có “quyết tâm” làm như vậy thì nước ta mới thực sự rút ngắn quá trình “đau khổ’, sớm thực hiện được mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những “lời khuyên”, “kiến nghị” nêu trên, thoạt nghe có vẻ hấp dẫn, thực dụng, “tâm huyết”. Song, suy xét kỹ lưỡng, nhìn nhận khách quan, toàn diện, thì nó hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu, con đường, lẽ sống mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Khi những bức “tâm thư” với lời khuyên, kiến nghị, khuyến nghị, yêu cầu của những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước không được chấp nhận thì họ quay lưng, trở mặt, lập tức uốn lưỡi nói xấu, xuyên tạc sự thật, cố tình bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước ta. Bằng sự thật đầy thuyết phục là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, họ không thể sống sượng phủ nhận, bài bác vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, không thể bóp méo, bôi đen sự thật trước người dân theo kiểu “lấy vải màn che mắt thánh”, nghĩa là phủ định sạch trơn, chà đạp thô bạo lên lịch sử; thế nhưng họ vẫn trơ tráo “khua môi múa mép”, nói càn, viết bậy, “đậm vại thóc chọc vại gạo” hết sức phi lý.
Việc họ quay lưng, sử dụng các ngón đòn ác hiểm, lời lẽ cay nghiệt để phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chiêu trò “quấy rối” chúng ta đã biết. Làm điều sai trái ấy, họ hy vọng sẽ gặt hái thành công, đạt được hiệu quả nhất định vì nó gây ra sự nghi ngờ về bản chất khoa học, cách mạng, giá trị và ý nghĩa; tính đúng đắn, sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho một bộ phận người dân nghi ngờ về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo cách này, họ cố tình tạo ra “một khoảng trống” trong lòng Nhân dân với việc hình thành dư luận xấu trong lòng xã hội ta. Qua đó, phân hóa các lực lượng “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm thóp ai thuộc lực lượng “cấp tiến” có mong muốn đi theo chủ nghĩa tư bản, kết thân với nước lớn. Từ đó, bằng mọi cách lừa bịp, mua chuộc, tập hợp các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động thành một lực lượng độc lập, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì ép Đảng, Nhà nước ta từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để thực hiện mưu đồ lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, có lợi cho chúng.
Trước tình hình ấy, trong quảng đại quần chúng Nhân dân ta, không phải tất cả mọi người đều hiểu sâu sắc và nhìn thấy thực chất, bản chất vấn đề, không ít người đã bị “lây nhiễm cái xấu”, có lúc nghi ngờ, hoang mang, dao động quan điểm, lập trường, cho rằng, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội như Liên Xô và các nước Đông Âu chẳng có ích lợi gì, kết cục là trượt dài theo lối mòn, không thể tránh khỏi vết xe đổ vỡ. Trong khi đó, nhìn về các nước tư bản phát triển, nhất là các nước lớn phương Tây, họ thấy sức mạnh của đồng đôla, đồng bảng Anh, đồng Euro và đời sống vật chất, phượng tiện sinh hoạt đều đạt mức cao, từ đó choáng ngợp, lóa mắt, mơ tuởng hão huyền, thậm chí lâm bệnh “sùng ngoại”, tẩy chay “hàng nội” đáng trách.
Trong khoảng giới hạn của nhận thức và trình độ hiểu biết hữu hạn, cùng với sự “bơm tin” bài xích, xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận chủ nghĩa xã hội hiện thực; ca ngợi chủ nghĩa tư bản đương đại, đã làm cho bộ phận người “thiển cận” cả tin vào sự mê hoặc của lý luận tư sản, sự “thuyết phục”, bị mua chuộc của đồng tiền. Tình trạng này đã và đang diễn ra nếu không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục, không được giáo dục từ sự giải thích có lý, có tình, có cơ sở khoa học để họ “tâm phục, khẩu phục” sẽ là một nguy cơ đáng lo ngại là làm cho những người này ngày càng lún sâu vào “vũng bùn” của nhận thức sai lầm và những hành vi sai trái, xô đẩy họ có hành vi chống Đảng, Nhà nước; đồng thời, gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong hoàn cảnh hiện thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa, hưởng ứng, truyền cảm hứng bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, tỏ rõ thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định, phấn đấu để nước ta sớm trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là lời kêu gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; danh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với Đảng, Nhà nước và chế độ lúc này.
Thông qua những việc làm thiết thực, các cấp, các ngành, từng cán bộ, đảng viên phải làm cho quần chúng Nhân dân, những người thân trong gia đình hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX, vững vàng niềm tin trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Qua đó, trang bị những kiến thức lý luận - thực tiễn cần thiết để cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân “miễn dịch” trước các đòn tấn công ác hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch cả trong lý luận và trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, mọi người tự tin, chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cũng như việc bình tĩnh, khôn khéo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những cám dỗ vật chất đời thường, trước mắt để giữ sạch phẩm chất, thanh danh người cán bộ, đảng viên.
Ai đó vẫn khư khư cho rằng, ở Việt Nam, con đường phù hợp và hiệu quả nhất để xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, xin hãy một lần đến viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ khác trên khắp 3 miền đất nước. Ở đó, họ sẽ nhận rõ hơn sự thật, cái giá phải trả cho một ngày sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc; sẽ phải tự mình thẩm vấn, suy nghĩ và nhận thức lại chính mình, cắt nghĩa được lẽ phải, cái thiện, cái ác, đúng và sai, ai là bạn, ai là thù. Chẳng nhẽ sự hy sinh tuổi trẻ, xương máu của đồng chí đồng bào ta, của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ là uổng công, vô ích? Chẳng nhẽ họ không hiểu lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam, hay là cố tình không hiểu sự thật về những đau thương, mất mát mà ông cha ta đã từng gánh chịu bởi gặp họa giặc ngoại bang xâm lược, từ đó sẽ tự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa cho phải đạo?
Bài học về nỗi đau thương mất mát, về nỗi ô nhục vì giặc ngoại bang đô hộ cướp đoạt thân mạng, cuộc sống làm người đã thúc giục ông cha ta, mọi người dân ta kế tiếp nhau đứng lên đánh đuổi quân ngoại xâm, quyết giành tự do, độc lập, dù biết rằng trong cuộc chiến đấu ấy có thể bị hy sinh, đổ máu, tổn thất nặng nề, ra đi không hẹn ngày về. Là người Việt Nam yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hiểu rõ cội nguồn lịch sử, cớ sao lại nhẫn tâm, cúi đầu, cam chịu làm tay sai cho địch, tại sao lại “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về rày mả tổ”, gây tội ác tày trời với chính những người thân là bà con ruột thịt của mình. Là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên bằng dòng sữa mẹ, bằng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, cớ sao lại nhắm mắt, quay lưng lại lịch sử, quyết lựa chọn con đường đẫm máu, quay lại chế độ áp bức, bất công, tệ nạn người thống trị người? Hãy đọc lại lịch sử dân tộc Việt Nam, tĩnh tâm xem vì lẽ gì mà các sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã phải rời bỏ quê hương, ra đi tìm đường cứu nước, phải cầu cạnh người nước ngoài giúp Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập? Vì lẽ gì mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành phải rời Tổ quốc, phải bôn ba tìm đường cứu nước đến tận phương trời Âu châu xa xôi, tận nơi sào huyệt của quân xâm lược để cắt nghĩa cho được tại sao thực dân Pháp lại đem quân xâm lược một dân tộc nhỏ bé “đất không rộng, người không đông” là Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, để rồi qua đó học hỏi kinh nghiệm đấu tranh chống quân xâm lược về giúp đỡ đồng bào đánh đuổi giặc ngoại xâm, nội xâm; thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, cơm no, áo ấm cho đồng bào.
Với lương tâm và trách nhiệm của một CON NGƯỜI, phân biệt được điều hay lẽ phải, nhận thức được cái đúng, cái sai, chắc chắn rằng ai cũng phải nhìn đúng sự thật, tôn trọng sự thật và nói đúng sự thật; cảm nhận sâu sắc giá trị tìm kiếm con đường cách mạng vô sản, đi theo Các mạng Tháng Mười Nga của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Còn nếu như hiểu biết và nhìn nhận đúng sự thật, nhưng lại “đeo cặp kính màu”, bị cám dỗ, mua chuộc để cố tình bóp méo sự thật, thêu dệt, xuyên tạc sự thật, đổi trắng, thay đen, đánh tráo khái niệm thì những việc làm đó, tự bản thân người làm sai phải thấy hổ thẹn và day dứt với chính lương tâm của mình, thấy việc làm đó là có tội lỗi với cha mẹ, người thân; những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì mình, là thiếu lương tâm, trách nhiệm với cuộc sống, là bội bạc với tổ tiên, cha mẹ, những người đã sinh thành, dưỡng dục, cho mình cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Cuộc sống chiến đấu, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta không cần những con người thay lòng đổi dạ, bất nhân, bất nghĩa; không muốn đi chung con đường lạc lối, sai lầm.
Ai cũng biết rằng, việc xóa bỏ chế độ xã hội cũ, lỗi thời, lạc hậu để xây dựng nên chế độ xã hội mới, tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa, không thể làm tức thời, mong muốn là có ngay những kết quả, mà cần phải có một thời gian nhất định, một thời kỳ quá độ để từng bước xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu còn rơi rớt lại; đồng thời, xây dựng và nuôi dưỡng những cái mới, cái tốt của chế độ xã hội mới, đúng như đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng ta đã khẳng định trong bài viết. Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy rằng, giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản cần có một thời kỳ cải biến cách mạng để chuyển từ xã hội nọ sang xã hội kia, thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ về kinh tế và chính trị, bởi vì xã hội của thời kỳ quá độ là xã hội vừa thoát thai từ chế độ xã hội cũ, cho nên, các mặt kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa... còn mang những dấu vết của chế độ xã hội cũ mà nó đã lọt lòng.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa giai cấp vô sản và giai cấp địa chủ, phong kiến và giai cấp tư sản là tất yếu khách quan, vô cùng quyết liệt. Tính phức tạp và cam go của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được V.I. Lênin khái quát là “thời kỳ sinh đẻ lâu dài và đau đớn”. Ở đó, có những thành phần, những bộ phận, những mảng ghép đan xen giữa hai chế độ cũ và mới: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Theo V.I. Lênin, đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chính là thời kỳ đấu tranh gay gắt giữa chủ nghĩa tư bản đang chết dần chết mòn và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh nhưng chưa đủ sức đánh gục các thế lực phản động. V.I. Lênin cũng khẳng định rằng, “những cơn đau đẻ kéo dài” của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Bởi lẽ, giai cấp vô sản sau khi giành thắng lợi trong cách mạng vô sản phải đồng thời làm nhiều việc để loại bỏ dần những cái cũ, những tàn dư mà chế độ xã hội trước đó đã để lại, đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là nền tảng chính trị, tinh thần cho xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đương nhiên là một thời kỳ đầy khó khăn, phức tạp, có thể rất lâu dài và phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước trung gian. Các nhà lý luận tư sản và bồi bút của họ là những người có học thức, có lý luận, họ quá hiểu rõ điều này nhưng vì lợi ích của họ gắn chặt với lợi ích và địa vị của chủ nghĩa tư bản, nên đã cố tình làm ngơ, buộc “phải ăn theo, nói theo”, bênh vực và phụ họa cho chủ nghĩa tư bản; bênh vực và bảo vệ con đường đẫm máu và nước mắt do giai cấp bóc lột gây ra.
Đối với chúng ta, chủ nhân của đất nước có hòa bình, độc lập, đang ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tuy cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mỗi người có khác nhau, song chúng ta đều thấm nhuần sâu sắc: chỉ có đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chúng ta mới xóa bỏ được tệ nạn người áp bức, bóc lột người, mới thực hiện được lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và mọi người.
Rõ ràng là, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn là thực hiện chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, bởi vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự khái quát cao nhất cái đẹp của cuộc sống, hạnh phúc của con người, là sự chung đúc tất cả lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Ai đó đã cố tình xuyên tạc bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vì họ đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân, là làm trái với chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, là đi ngược lại lợi ích của người dân và dân tộc Việt Nam. Muốn chữa “căn bệnh” này, chỉ có một thứ thuốc đặc hiệu là từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, rũ bỏ những thành kiến, những ác cảm bởi những nhận thức sai lầm về chủ nghĩa Mác - Lênin, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nói cách khác, chừng nào còn “theo đuôi” giai cấp tư sản, nói theo, ăn theo, bênh vực và bảo vệ chủ nghĩa tư bản, quay lưng và phản bội dân tộc thì chừng ấy, những người “bồi bút” cho giai cấp tư sản, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng chỉ là “diễn viên đeo mặt nạ”, làm hề kiếm tiền trên sân khấu, mua vui cho giai cấp tư sản. Nghị quyết Đại hội XIII đã triển khai; sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhân dân ta vẫn tiếp tục, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không thể đổi khác, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc đấu tranh sinh tử vì chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận về đổi mới đất nước, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải đồng thời gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí... Bởi vì, căn bệnh này đẻ ra tất cả mọi tính hư, tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Và chính căn bệnh này không chỉ gây nguy hại, làm thoái hóa, biến chất con người và tổ chức, làm cho Đảng ta suy yếu, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng mà còn dẫn đến tình trạng khinh thường, nhờn lý luận, phai nhạt lý tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chà đạp lên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Có thể khẳng định rằng, người mắc “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” cũng có nghĩa là đã bước ra khỏi đội ngũ của những người cộng sản, bị tha hóa, biến chất, phản bội lại sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân ta. Chính những người này là đối tượng bị lôi kéo, quyến rũ của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong thực hiện mưu đồ chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Đồng thời, với quá trình đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần đổi mới công tác giáo dục pháp luật và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bởi vì, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, được học hành tiến bộ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đạt được mục tiêu đó còn dài lâu. Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó, xã hội ta cần xác lập cho được ý thức đạo đức cộng sản chủ nghĩa: “mình vì mọi người và mọi người vì mình”. Đúng như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa phải là người cách mạng, "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng". Đây là điều mấu chốt, mang ý nghĩa quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới, sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn từ đầu thế kỷ XX đã được triển khai và thực hiện trên đất nước Việt Nam yêu dấu. Chúng ta tự hào vì có Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân ta anh hùng, đã kế thừa và tô thắm thêm lịch sử truyền thống vẻ vang, bách chiến, bách thắng của ông cha ta để tự tin, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Là một nước đất không rộng, người không đông, đời sống vật chất chưa thật giàu sang, sản xuất xã hội chưa thật phát triển, song dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, đã ghi những mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc, đã khắc ghi dấu ấn vào thời đại mới là một dân tộc đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mỹ; đã đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội của Nhân dân thế giới, vì sự nghiệp đấu tranh gìn giữ hòa bình và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời gian tiếp tục trôi đi, cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, đều nhất quán, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Suy ngẫm về bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm nhận từ thực tế những thành tựu đã đạt được trong thế kỷ XX và hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thành công, uy tín, vị thế của nước ta sẽ tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế./.
Thiếu tướng, PGS TS NGND Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Dangcongsan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()