Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:34 (GMT +7)
Kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục mưa lũ tại Ba Chẽ, Uông Bí, Quảng Yên, Đầm Hà
Chủ nhật, 09/06/2024 | 15:54:59 [GMT +7] A A
*/ Ba Chẽ:
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 9/6, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng lãnh đạo huyện Ba Chẽ đã đi kiểm tra tình hình phòng chống mưa lũ trên địa bàn huyện.
Triển khai nghiêm công tác phòng chống mưa lũ, ngay trong sáng 9/6, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn chuyển trạng thái sẵn sàng ứng phó mưa lũ ở mức độ cao; duy trì phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phát thanh, lưu động, phát các bản tin cảnh báo mưa lũ; chỉ đạo các lực lượng ứng trực đầy đủ quân số tại các khu vực trọng điểm, các vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở…
Tính đến khoảng 10h sáng nay, mưa to kéo dài đã gây lũ trên sông Ba Chẽ và ngập một số ngầm tràn trên địa bàn các xã; làm thiệt hại một phần diện tích lúa và hoa màu của nhân dân; tại một số điểm taluy dương trên tuyến giao thông đi các xã bị sạt lở nhẹ; một số công trình đang thi công trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau khi trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực trọng điểm, khu vực xung yếu, công tác bảo vệ an toàn hồ đập và công tác phòng, chống mưa lũ tại Ba Chẽ, Đoàn công tác Sở NN&PTNT tỉnh và lãnh đạo huyện Ba Chẽ yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng chống mưa lũ; chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; duy trì trực sẵn sàng, tuyệt đối không để người dân đi lại trên các ngầm tràn và các khu vực bị ngập, lụt; kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện tốt phương án phòng chống mưa lũ đối với các công trình đang xây dựng; huy động phương tiện khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông; quyết liệt thực hiện công tác di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập lụt và sạt lở đất, đá; tăng cường công tác tuyên truyền, đưa thông tin đến người dân bằng mọi hình thức, phương tiện để người dân chủ động phòng tránh.
Đoàn công tác lưu ý mưa lớn có thể kéo dài, nguy cơ lũ có thể dâng cao, nhất là triều cường về ban đêm; sạt lở đất đá có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, các xã, thị trấn và bà con nhân dân tuyệt đối không được chủ quan; cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết và sẵn sàng thực hiện các phương án, biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản.
*/ Uông Bí:
Mưa như trút kéo dài gần 12 giờ đồng hồ từ đêm ngày 8 sang ngày 9/6 đã làm ngập lụt nhiều nơi tại thành phố Uông Bí. Mặc dù không có thiệt hại về người, song mưa lớn đã để lại hậu quả nặng nề về tài sản, hoa màu cho người dân địa phương.
Trên địa bàn thành phố, nhiều nhà dân bị ngập trong nước. Một số tuyến đường không thể lưu thông do ngập và sạt lở. Hoa màu và hệ thống đầm nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc gia cầm bị thiệt hại nặng nề.
Ngay trong ngày, lãnh đạo thành phố Uông Bí đã kịp thời chỉ đạo các xã, phường tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Kiểm tra tại cầu đập tràn sông Uông, đập tràn cầu Sông Sinh và khu vực đường công vụ phục vụ thi công dự án đường ven sông, đồng chí Mai Vũ Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thành uỷ chỉ đạo các xã, phường nhanh chóng rà soát thiệt hại do ngập lụt gây ra; khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục nhanh nhất để các hoạt động của người dân nhanh chóng trở lại bình thường. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp khắc phục, các xã, phường cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa để chủ động sẵn sàng ứng phó.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Đức Hoà, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại tuyến đê Vành kiệu 3 phường Yên Thanh, khu vực đập tràn Nhà máy điện Uông Bí và khu chợ Chiều (phường Quang Trung). Hiện các khu vực này cơ bản nước đã rút. Lực lượng chức năng đang phối hợp hỗ trợ người dân di dời tài sản và khắc phục hậu quả. Tuyến đường dẫn cầu đập tràn sông Uông bị mưa lũ làm bong tróc lớp apphalt mặt đường cũng đã được dọn dẹp mặt bằng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Một số hộ kinh doanh tại chợ Chiều (phường Quang Trung) tạm thời phải di dời việc bán hàng ra ngoài khu vực cổng chợ.
Nhờ các biện pháp khắc phục kịp thời, chỉ sau thời gian ngắn, những khu vực ngập nặng như: Hồ Công viên, Chợ trung tâm Uông Bí, khu vực Công ty Giày da Sao Vàng, Cây xăng Phúc Xuyên, nước đã rút và phương tiện giao thông có thể đi lại bình thường. Các xã, phường cũng đang tích cực huy động nhân lực, máy móc, phương tiện cơ giới tại chỗ để xử lý bùn, đất, đá tại các tuyến đường, các khu vực sạt lở.
*/ Quảng Yên:
Từ rạng sáng ngày 9/6, trên địa bàn thị xã Quảng Yên có mưa vừa và mưa to. Để chủ động trước diễn biến của mưa dông, lãnh đạo thị xã Quảng Yên đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại một số địa phương trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND thị xã đã trực tiếp đi kiểm tra việc tiêu thoát nước đệm ở những khu vực có nguy cơ cao, gây ngập úng; kiểm tra hoạt động tiêu thoát nước ở khu vực Cống Mai Hòa (phường Đông Mai), cống 5 cửa Sông Khoai; cống Bến Giang (xã Hoàng Tân), cống Đầm Tài Thời (phường Quảng Yên).
Đến đầu giờ chiều ngày 9/6, trên địa bàn thị xã Quảng Yên cũng xảy ra một số điểm ngập úng cục bộ. Tuy nhiên nhờ sự chủ động thực hiện việc tiêu thoát nước nên tính đến thời điểm này, tình trạng ngập không gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn.
Kiểm tra trực tiếp hiện trường, lãnh đạo thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương tập trung, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa với tinh thần không chủ quan, nghiêm túc thực hiện công tác ứng trực 24/24h. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập tiếp tục thực hiện tiêu thoát nước đệm ở những khu vực có nguy cơ cao, dễ gây ngập ứng; Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã thực hiện việc tiêu thoát nước đệm toàn bộ khu vực Đông Yên Hưng. Các xã, phường khu vực Hà Nam thực hiện nghiêm việc tiêu thoát nước đệm ở các cửa cống khu vực dưới đê khu vực Hà Nam. Ban chỉ huy Quân sự thị xã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng huy động lực lượng để hỗ trợ người dân khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, lãnh đạo TX Quảng Yên yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị, địa phương 19 xã, phường tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thực tiễn về thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp, giải quyết kịp thời những tình huống bất ngờ do mưa lớn gây ra với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản.
*/ Đầm Hà:
Ngày 9/6, lãnh đạo huyện Đầm Hà đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, do tình hình thời tiết mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 8 đến sáng ngày 9/6 đã gây ngập úng cục bộ tại một số ngầm tràn, cầu, tuyến đường giao thông, một số diện tích lúa và nhà ở của người dân trên địa bàn huyện Đầm Hà. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trong đến việc đi lại của người dân trên một số đoạn đường, gây thiệt hại cho một số diện tích lúa, tài sản của người dân.
Qua kiểm tra thực tế tại một số khu vực, một số điểm có nguy cơ sạt lở, lãnh đạo huyện Đầm Hà đã yêu cầu các cơ quan thành viên BCĐ PCTT&TKCN huyện cần tập trung theo dõi nắm bắt tình hình địa bàn các xã, thị trấn để chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt. Phòng NN&PTNT cần tập trung đôn đốc các xã, thị trấn thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng do mưa lũ để chủ động tham mưu cho BCĐ của huyện thực hiện các phương án phòng chống mưa lũ.
Các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động tuyên truyền tới người dân về tình hình mưa lũ; rà soát lại các vị trí xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động các biện pháp sơ tán người dân đến các khu vực an toàn khi có lũ lụt xảy ra; bố trí lực lượng trực 24/24h tại các khu vực ngầm tràn để cảnh báo người dân; các xã ven biển tập trung tuyên truyền các hộ ngư dân không neo đậu tàu thuyền tại các khu vực luồng xả lũ để tránh bị ảnh hưởng. Các trường học cần tập trung theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cơ sở vật chất, các thiết bị giảng dạy.
Các cơ quan Công an, Quân sự tập trung lực lượng điều phối giao thông tại các khu vực ngập lụt, hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc đến những vị trí an toàn. Công ty Thủy lợi miền đông, đơn vị trực tiếp khai thác vận hành Đập Đầm Hà Động, cần tập trung theo dõi mực nước hồ, hạn chế thấp nhấp việc xả lũ, khi xả lũ cần thông báo trước cho các xã, người dân ở dưới hạ lưu. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động bố trí lực lượng để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống mưa lũ và hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trung tâm TT&VH huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ, các biện pháp phòng tránh để người dân chủ động.
Đặc biệt, người dân cần chủ động các biện pháp để phòng tránh mưa lũ trong điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp.
Bình Minh (TTVH Ba Chẽ) - Hoàng Lan (TTVH Uông Bí) - Thùy Dương (TTVH Quảng Yên) - Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()