Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan công an
Chủ nhật, 02/06/2024 | 23:27:36 [GMT +7] A A
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng, đồng thời chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Ngăn ngừa tiêu cực, tham ô, lãng phí thông qua kiểm toán
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trong báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kết quả kiểm toán thời gian qua đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, như công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý;...
Thông qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các kiến nghị giúp các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính-ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản nhà nước; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, bảo đảm quản lý, sử dụng tiền tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.
Từ năm 2019 đến năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng)...
|
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng đã cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý điều hành ngân sách, tiền và tài sản nhà nước và có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ góp phần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Kết quả cụ thể, trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng); kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 1 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác.
Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”
Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Hoạt động kiểm toán góp phần quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước ngày càng được công khai, minh bạch; nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đã được phát hiện và xử lý nghiêm; nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, góp phần hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính, tài sản công.
Kết quả kiểm toán đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; Kiểm toán Nhà nước hiện phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế.
Theo đó, riêng trong lĩnh vực kiểm toán các dự án, kiểm toán doanh nghiệp theo phạm vi chất vấn từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, kết quả kiểm toán những năm gần đây đối với các dự án đầu tư cho thấy còn tồn tại, sai sót thường gặp ngay từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư đến quyết toán dự án hoàn thành.
Tình trạng còn sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước vẫn diễn ra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán; việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, kém phẩm chất, chậm luân chuyển; đầu tư, sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả…
Về giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, thời gian tới, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vai trò của Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán toàn diện trên cả 3 mặt năng lực, hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán.
Tiếp tục tăng cường kiểm toán thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, các nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong hoạt động kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời thực hiện công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; cung cấp kịp thời cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()