Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:19 (GMT +7)
Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6 Kiểm soát ma túy một cách quyết liệt, toàn diện, đồng bộ
Thứ 3, 25/06/2024 | 12:39:45 [GMT +7] A A
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và triển khai Luật phòng, chống ma túy năm 2021, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch; xác lập các cơ chế chính sách đặc thù, riêng có về công tác phòng chống tội phạm ma túy một cách tổng thể. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân và quyết liệt đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm
Ngay khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai, với 4 nội dung trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các địa phương để thực hiện. UBND tỉnh cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU (ngày 5/5/2023) về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.
Sau 2 năm triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và 1 năm triển khai Chỉ thị số 32, 100% cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành kế hoạch và triển khai có hiệu quả. Trong đó, tập trung chỉ đạo, quan tâm và thực hiện bài bản công tác tuyên truyền, trong đó, cụ thể hóa rõ trách nhiệm, phần việc của các sở, ngành, tổ chức chính trị và UBND các cấp. Các sở, ngành, địa phương đều tổ chức các cuộc tuyên truyền với từng nhóm đối tượng cụ thể, tăng cả số buổi và số người tiếp cận; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật về ma túy như thanh thiếu niên, người lao động trong các KCN, nhân viên làm việc trong các ngành dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke…
Ngoài kinh phí hằng năm do Trung ương cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) quy định chính sách thực hiện cai nghiện, quản lý sau cai và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 314/2020/NQ-HĐND (ngày 09/12/2020) về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và TNXH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh bố trí gần 132 tỷ đồng thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Qua đó, hỗ trợ chi phí cho người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; hỗ trợ, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên, người lao động làm công tác cai nghiện và lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên và cũng là một trong số ít các tỉnh/thành phố trên cả nước ban hành được chính sách này.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.087 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 826 người ở ngoài xã hội, 617 người trong cơ sở giam giữ, 649 người trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, giảm 25,2% so với thời điểm 30/12/2021; có 1.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, giảm 29,2% so với cùng kỳ.
Đấu tranh quyết liệt
Trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm về ma túy, lực lượng Công an, BĐBP và Hải quan đã phát huy vai trò chuyên trách, nòng cốt, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm về ma túy. Sau 2 năm thực hiện Luật phòng, chống ma túy năm 2021, trên địa bàn tỉnh hiện không có các điểm, tụ điểm về tội phạm, tệ nạn ma túy mà không được phát hiện xử lý kịp thời; cũng chưa phát hiện tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy. Các tội phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ ma tuý, đã được hạn chế, kéo giảm.
Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác giảm cung về ma túy, đấu tranh triệt để quyết liệt đối với tội phạm về ma túy, nhất là các đường dây ổ nhóm tội phạm. 2 năm qua, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý hình sự 1.242 vụ, 2.366 đối tượng, giảm 6,8% về số vụ, tăng 14,3% số đối tượng so với 2 năm trước khi Luật phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực; thu giữ 9,16 gam nhựa thuốc phiện, 900,75 gam heroin, 598ml và 24.898,37 gam ma túy tổng hợp, 20.459,33 gam cần sa, 505ml dung dịch chứa ma túy ADB-Butinaca, 9142,8 gam thảo mộc khô chứa ma túy loại ADB-BUTINACA...
Điển hình là Chuyên án 424-Q tháng 4/2024, Công an Quảng Ninh đã phối hợp triệt phá đường dây mua bán ma túy cần sa trên không gian mạng, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng lập các tài khoản Telegram và nhiều kho cất giữ ma túy ở các tỉnh, thành phố, từ Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng… do nhiều đối tượng quản lý. Sau thời gian đấu tranh chuyên án, đã bắt giữ xử lý hình sự 20 đối tượng, tổng vật chứng thu giữ gồm 146kg cần sa, 7,5 tỷ đồng và 2 xe ô tô. Đây là một trong những chuyên án đã vượt khỏi địa bàn, có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách của Bộ Công an và lực lượng chức năng các địa phương khác trong cả nước để bóc gỡ đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đã làm nên một bức tranh toàn cảnh về Quảng Ninh với thế chủ động, là điểm sáng trong phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đến nay, Quảng Ninh có 34/177 xã, phường, thị trấn không có ma túy cần "giữ sạch" và 3 "Huyện sạch ma túy".
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định: Công an tỉnh tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống ma túy, đặc biệt là những văn bản quy định về địa bàn sạch ma túy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và quản lý chặt các đối tượng nghiện, sau cai nghiện; phối hợp chặt chẽ với BĐBP, Hải quan và các lực lượng kiểm soát tình hình ma túy trên tuyến biên giới, nhất là trong nội địa; đánh giá toàn diện các nguy cơ, từ đó, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm những hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()