Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:25 (GMT +7)
Kiểm soát chặt việc tăng phụ phí của các hãng tàu biển
Chủ nhật, 24/03/2024 | 07:26:54 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, nhiều loại phí, phụ phí của các hãng tàu hiện nay đang "thả nổi", để hãng tự quyết định mức giá. Khi Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về giá dịch vụ bốc dỡ container, hoa tiêu, cầu bến,... tại cảng biển được thông qua với mức phí dịch vụ xếp dỡ container điều chỉnh tăng khoảng 10%, các hãng cũng tăng phụ phí theo. Tuy nhiên, một số hãng tăng khoảng 3 lần so với phí điều chỉnh bốc xếp khiến chủ hàng chịu nhiều thiệt thòi.
Cục Hàng hải Việt Nam đã giao các cảng vụ và chi cục hàng hải kiểm tra giá cước vận chuyển và phụ phí, tránh tình trạng các hãng tàu vi phạm luật cạnh tranh.
Hãng tàu "ép" chủ hàng
Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam Phan Thông cho biết, phụ phí xếp dỡ tại cảng biển mà các hãng tàu thu của chủ hàng xuất nhập khẩu vừa qua thay đổi khá đột ngột, gây ảnh hưởng lớn tới các chủ hàng. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do biến động chính trị thế giới gây cản trở các tuyến giao thông, làm nhiều tuyến hàng hải quốc tế bị cắt đứt, khiến chi phí, thời gian chuyển hàng đều tăng mạnh.
Từ tháng 2, các hãng tàu tăng phí xếp dỡ tại cảng biển, mức giá dịch vụ xếp dỡ container tăng khoảng 10%. Trong khi mức tăng của cảng không nhiều so các chi phí của cảng thì mức phí này lại tăng rất mạnh, có nhiều điểm bất hợp lý. "Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan, trong đó có việc đưa phụ phí vào danh mục phải kê khai", ông Phan Thông đề xuất.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Lê Quang Trung nhận định, trong bối cảnh hiện tại, gần như 100% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam do 10 hãng tàu lớn nước ngoài đảm trách. Có nhiều lý do phải tăng phụ phí, trong đó có việc một số hãng phải bảo đảm thời gian giao hàng trong điều kiện tàu không thể chạy qua kênh đào Suez, ảnh hưởng tới cam kết thương mại. Mặc dù vậy, việc tăng giá chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng, cơ quan quản lý cần xem xét hành lang pháp lý để quản lý các mức phụ thu sao cho phù hợp.
Theo quy định hiện hành, hãng tàu chỉ cần niêm yết mức phí trước khi điều chỉnh 15 ngày. Cơ quan quản lý nên xem xét minh bạch, so sánh cơ chế luật pháp của Việt Nam với quốc tế, lưu ý đối tượng cần xem xét, quản lý như thế nào phù hợp. Đồng thời, hãng tàu cần tăng năng lực cạnh tranh của chính các chủ hàng, các doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics để đưa ra các giải pháp tổng thể, cũng như phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế, bảo đảm tính tự lực tự cường, không bị phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, các chủ hàng Việt Nam hầu hết quy mô nhỏ, lẻ, trong khi hãng tàu đang vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều là hãng lớn, có thể tạo ra sự bất bình đẳng về quy mô và lợi thế đàm phán. Một số hãng đã chạy 15 ngày mới hồi tố, thông báo thu thêm phí xếp dỡ cảng biển đối với chủ hàng. Đây là điều bất hợp lý và dồn chủ hàng vào thế khó, nếu không nộp phí sẽ không lấy được hàng.
Do đó, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hãng tàu thay đổi cách nhìn và tôn trọng thị trường Việt Nam, xem xét cẩn trọng trước các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các hiệp hội cũng cần chủ động làm việc với các hãng tàu. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ can thiệp.
"Quản" bằng cách nào?
Tuy vậy, đại diện nhiều hãng tàu đều khẳng định chưa bao giờ có ý định tận thu tại Việt Nam. Các hãng luôn xác định Việt Nam là thị trường được ưu tiên hàng đầu và cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, theo dõi và thực thi các quy định của Nhà nước. Sau cuộc họp, đại diện các hãng cam kết sẽ báo cáo lại cấp có thẩm quyền xem xét lại vấn đề về phí, phụ phí để có mức điều chỉnh hợp lý.
Ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện hãng tàu Yangming tại Hà Nội lý giải, việc các hãng tăng phụ phí thời gian qua do gặp nhiều khó khăn, kinh doanh dưới mức hòa vốn. Trong khi thế giới có nhiều biến động gây khó khăn cho các hãng tàu, Việt Nam là quốc gia xuất siêu cho nên lượng container luôn thiếu. Những khó khăn về tài chính là nguyên nhân khiến các hãng tàu tăng phụ phí để cân đối.
Là hãng tàu hiếm hoi chưa tăng phí xếp dỡ tại cảng biển, đại diện hãng tàu Maersk Lines tại Việt Nam cho biết, các phụ phí của hãng đều được quyết định ở cấp vùng. Thời gian qua, hãng vẫn nghiên cứu, phân tích kỹ thị trường, đánh giá nhu cầu của khách hàng và vấn đề cung cầu. Đại diện hãng bày tỏ mong muốn bình ổn thị trường, nếu có kế hoạch tăng phí xếp dỡ tại cảng biển, hãng sẽ tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thông báo tới cơ quan quản lý và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện không cấm hãng tàu tăng phụ phí và giá cước, phụ phí đi theo quy luật thị trường. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, phụ phí của các hãng tàu liên quan nhiều lĩnh vực, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển không thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và không phải kê khai giá. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải đánh giá sự cần thiết của việc bổ sung các phụ phí vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá.
Theo Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười, Chính phủ đang tìm các phương án để giảm giá thành chi phí logistics. Việc một số hãng tàu tăng phụ phí quá cao tới mức vô lý là điều khó chấp nhận. Bộ Giao thông vận tải sẽ có biện pháp quản lý hài hòa, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các hãng tàu và doanh nghiệp, chủ hàng cần trao đổi, đàm phán để thống nhất khi cơ quan quản lý chưa có chế tài và hành lang pháp lý. Việc niêm yết phụ thu của hãng tàu cũng cần minh bạch, công khai. Các hãng tàu nên xem xét, điều chỉnh mức phí bảo đảm cân bằng, phù hợp, tính toán cả vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ xem xét, lập đoàn thanh tra, kiểm soát các công ty môi giới, đại lý trong việc tuân thủ các quy định, hành lang pháp lý của Việt Nam, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()