Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:56 (GMT +7)
Kiểm soát chất lượng sản phẩm trên chợ online
Thứ 6, 19/04/2024 | 08:30:00 [GMT +7] A A
Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đã đem lại nhiều thuận lợi cũng như cả những phiền toái như "tiền mất tật mang" cho người tiêu dùng.
Căn cứ pháp lý trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đã đem lại nhiều thuận lợi cũng như cả những phiền toái như "tiền mất tật mang" cho người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến, nên thông tin minh bạch rõ ràng không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà ngay cả đối với các doanh nghiệp sản xuất trong việc bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Vinh Phú cho biết, sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối hàng hóa.
Lý giải về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Vinh Phú cho rằng, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khi luật được phổ biến cặn kẽ hơn, người tiêu dùng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Hội Bảo vệ người tiêu dùng luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Người tiêu dùng có lên tiếng thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc.
Thông tin minh bạch bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp
Thực tế, để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các chợ bán hàng online vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng. Trong khi hàng hóa bán trên chợ online rất phong phú, như bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng, thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô được người bán đăng tải công khai, chào mời với những cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thực tế người tiêu dùng cũng chỉ mua bán "bằng niềm tin". Đặc biệt, nhiều mặt hàng được chào bán dưới mác quà quê, đặc sản vùng miền kèm những lời mời chào như: "Tiện chuyến về quê, em gom giò bê Nghệ An hay xúc xích, lạp sườn Sơn La, gà đồi Phú Thọ... hay "Sale mạnh hàng đồ uống phục vụ Tết, bia Bỉ, vang Pháp... giá hợp lý, các bác cứ lấy cả thùng về dùng dần...".
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, chợ bán hàng online đang phát triển mạnh mẽ thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm nhưng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hầu như chưa được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đề nghị ngành Công Thương cần có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online chặt chẽ hơn, qua đó tạo điều kiện cho siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.
Chị Đào Thu Thủy, nhân viên Công ty Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Nam Bình cho biết, sau một thời gian mua hàng online, chị thấy rằng nhiều người bán hàng thường quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn giao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm. Theo chị Thủy, đây chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Thông tin minh bạch chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ cho chính doanh nghiệp làm cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Do đó, doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó là chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
"Về phía, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh", ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cũng đã nhìn nhận và nỗ lực tìm cách khắc phục những hạn chế, rào cản đang ảnh hưởng tới sự phát triển của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Nhưng thực tế, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, mở rộng với nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua… Năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử qua việc nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các sự kiện thường niên nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng hàng hóa trên môi trường kinh doanh mạng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()