Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:21 (GMT +7)
Kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ATTP trường học
Thứ 2, 06/05/2024 | 09:43:54 [GMT +7] A A
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, vấn đề đảm bảo ATVSTP trong trường học cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được ngành giáo dục và các nhà trường chú trọng thực hiện. Đây cũng là mối quan tâm rất lớn từ phía các bậc phụ huynh. Để thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục đối với các bữa ăn bán trú cho học sinh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long Ngô Thị Thu Trang.
- Xin bà cho biết tại TP Hạ Long các trường học hiện đang triển khai bữa ăn bán trú cho trẻ dưới hình thức nào?
+ Hiện nay trên địa bàn thành phố có 34/37 trường phổ thông công lập có cấp tiểu học và 33/33 trường mầm non công lập tổ chức hoạt động bán trú. 33 trường mầm non và 5 trường phổ thông có cấp tiểu học đang tổ chức nấu ăn tại bếp ăn nhà trường, 29 trường phổ thông có cấp tiểu học thực hiện hợp đồng mua suất ăn tại các đơn vị cung cấp.
- Để đảm bảo yếu tố về ATVSTP, Phòng GD&ĐT đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa bà?
+ Đối với công tác đảm bảo ATVSTP tại các trường học, Phòng GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện trong suốt năm học và theo từng chuyên đề (thực hiện các chỉ thị, kế hoạch, công văn, Tháng ATVSTP…). Đặc biệt, đối với những thời điểm dễ xảy ra mất ATVSTP như dịp giao mùa, dịp nghỉ lễ, tết, Phòng GD&ĐT đều có công văn hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm ngặt công tác này.
Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc công khai bữa ăn bán trú (thực đơn, tài chính, đơn vị cung cấp...) bằng nhiều hình thức như qua bảng tin, zalo nhóm phụ huynh các lớp, nhằm tăng cường việc giám sát của cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh tại các trường. Công khai số điện thoại của cán bộ quản lý nhà trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT, địa chỉ email để tiếp nhận phản ánh của nhân dân trong việc tổ chức bữa ăn bán trú.
Trong tháng 4, Phòng GD&ĐT đã ban hành công văn số 417/PGDĐT về việc triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2024 và một số yêu cầu về thực hiện ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Cụ thể là: Thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn thực phẩm, thức ăn, nước uống được đưa vào nhà trường; các trường chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mở các đợt kiểm tra liên ngành về ATTP tại địa phương, nhất là khu vực cổng trường và xung quanh trường; tham mưu xử lý và công khai kết quả xử lý, thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm, cùng danh mục hàng hoá không đảm bảo ATVSTP (nếu có) để học sinh và cha mẹ học sinh biết, lựa chọn, phòng ngừa.
Đối với các nguồn thực phẩm, đồ ăn, nước uống được đưa vào trường do các lớp, phụ huynh tự chuẩn bị và sử dụng (phục vụ các dịp lễ, tổng kết, sinh nhật, liên hoan…) các trường phải kiểm soát chặt chẽ và quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm, học sinh, phụ huynh lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo; cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về ATVSTP.
- Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện ra sao, thưa bà?
+ Từ đầu năm học đến nay Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức 2 đợt kiểm tra theo kế hoạch riêng và tổ chức kiểm tra đột xuất với 20 trường học; phối hợp với Phòng Y tế thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra 15 trường học. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT thành phố còn tổ chức kiểm tra đột xuất bữa ăn của trẻ em, học sinh bằng cách yêu cầu gửi thực đơn, hình ảnh (qua zalo) ngay trước giờ ăn trưa tại trường để kiểm chứng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà trường phát huy sự vào cuộc của phụ huynh học sinh trong việc kiểm tra, giám sát các khâu trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Hoài Minh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()