Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Kiểm duyệt phim điện ảnh Việt Nam năm 2022 đã thoáng hơn?
Thứ 4, 23/02/2022 | 07:12:06 [GMT +7] A A
Đầu năm 2022, khán giả của phim Việt đón nhận ba bộ phim dán nhãn 18+. Dù có nhiều ý kiến khen chê về chất lượng, song ba bộ phim đều đã nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận từ khán giả.
Đầu năm 2022, điện ảnh Việt cho lên rạp ba tác phẩm được dán nhãn 18+ với nhiều đề tài táo bạo gồm "Chuyện ma gần nhà," "Bẫy ngọt ngào" và "Người tình."
Dù có nhiều ý kiến khen chê về chất lượng, song ba bộ phim đều đã nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận từ khán giả. Người xem công nhận rằng các câu chuyện được kể một cách trần trụi, trực diện hơn, ghi ấn tượng khi khai thác nhiều cảnh nóng, yếu tố tâm linh đồng thời cho thấy công tác duyệt phim dường như đã được thả lỏng phần nào.
Dấu ấn điện ảnh Việt đầu 2022
Với phim kinh dị “Chuyện ma gần nhà” và phim tâm lý “Bẫy ngọt ngào,” đại diện ê-kíp hai bộ phim cho biết đều không bị kiểm duyệt theo hướng phải cắt, chỉnh sửa phim. Hiện hai bộ phim đã thu về trên 60 tỷ đồng sau hơn một tuần ra mắt.
Chỉ khoảng vài năm trở về trước, khán giả của phim kinh dị Việt đã quen với mô-típ mọi chuyện ma đều không có thật. Những gì diễn ra trong phim chỉ là những giấc mơ hoặc câu chuyện kể hư cấu, không được xác thực. Giới quan sát điện ảnh đánh giá đây là cách để hội đồng kiểm duyệt tránh cổ súy mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, phim “Chuyện ma gần nhà” (hoàn thiện 2021, lên rạp năm 2022) đã làm được điều ngược lại. Phim không chỉ khai thác mạnh các yếu tố truyền thuyết dân gian - vốn là chuyện hư cấu truyền miệng, mà còn có thể tự quảng bá là "phim kinh dị nặng đô nhất" của Việt Nam từ trước tới nay.
Bước đầu, đây trở thành yếu tố hút khách, gợi sự tò mò nhất cho phim, thu về trung bình hơn 10 tỷ đồng trong 4 ngày đầu ra rạp.
Trong khi đó, "Bẫy ngọt ngào" lại đề cập vấn đề xã hội muôn thuở song chưa bao giờ hết thời sự, lại càng nóng hơn và được chú ý hơn trong thời hiện đại là bạo lực trong tình dục, hôn nhân. Phim có nhiều cảnh thể hiện bi kịch của người phụ nữ bị chính chồng mình khống chế về cả tinh thần lẫn thể xác, bị cưỡng hiếp.
Dù còn một số hạn chế về kịch bản, nhân vật... nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét đây là một bộ phim giải trí hấp dẫn và khá dễ chịu. Với đề tài và cách triển khai "Bẫy ngọt ngào," ông Lâm nhận định đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư của phim có tiềm năng để trở thành một đạo diễn thời thượng và ăn khách của điện ảnh Việt.
Bộ phim gây tranh cãi nhiều hơn cả còn có "Người tình" với 5 năm thai nghén ý tưởng, 5 năm ròng đã hoàn thiện nhưng chưa thể được cấp phép chiếu. Năm 2021, ê-kíp phim bất ngờ tuyên bố đã vượt ải kiểm duyệt đồng thời tung ra những hình ảnh quảng bá gây "đỏ mặt," có từ cảnh khỏa thân tới "cảnh nóng" nhưng không bị cắt bỏ hoàn toàn.
Giống như nhiều phim Việt khác, "Người tình" có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, song được công nhận có ngôn ngữ nghệ thuật ấn tượng. Đạo diễn Lưu Huỳnh tiết lộ ông phải cắt gọn một số cảnh, trong đó có một cảnh quay khỏa thân kéo dài mà bản thân ông rất tâm đắc. Cùng với đó, phim phải loại bộ một số từ ngữ bị coi là tục tĩu, song được đưa đứa con tinh thần ấp ủ 10 năm ra rạp vẫn là điều mà ông mong muốn.
Một tín hiệu vui và cần
Nhà thơ Phong Việt, một cây bút về văn hóa với nhiều năm theo dõi điện ảnh đồng tình rằng công tác kiểm duyệt trong khoảng 6-7 tháng trở lại đây dường như đã thoáng hơn.
“Đây là tín hiệu vui. Tôi cho rằng đây là tương lai các nhà làm phim thế hệ ngày nay cần để giúp nền điện ảnh nước phát triển nhiều hơn,” ông Việt nhận xét. Ông cũng khẳng định việc cởi mở cũng không đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho phim cổ súy bạo lực, tình dục mang tính cực đoan…mà để có thể tìm thấy những đạo diễn, bộ phim độc đáo, mới lạ mà trước đây đã bị kiềm chế.
Tuy nhiên, để việc phân loại và dán nhãn độ tuổi được hiệu quả, ông Việt cho rằng các nhà rạp kiểm soát chặt chẽ hơn khi bán vé cho khách dưới tuổi, đặc biệt là đối với mác C18 (cấm phổ biến cho khán giả dưới 18 tuổi).
Nhiều nhà quan sát điện ảnh cũng khẳng định khán giả Việt ngày nay không dễ bị một bộ phim, chi tiết nào đó dẫn dắt, nhất là khi họ ngày càng tiếp cận nhiều tác phẩm ở các thể loại đa dạng. Song sự cởi mở trong cơ chế duyệt phim cũng cần đi kèm với truyền thông, định hướng, giáo dục giúp rèn luyện bản lĩnh, nhận thức phù hợp độ tuổi cho người xem.
Đại diện Hội đồng thẩm định và phân loại phim Quốc gia - Chủ tịch, Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp khẳng định công tác duyệt phim luôn cần sự song song giữa tuân thủ pháp luật, quy định và sự phát triển của điện ảnh.
Ông Hiệp cũng cho biết dù hiện nay, vấn đề sửa đổi Luật Điện ảnh vẫn đang được thảo luận đầy nóng hổi, song Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2009 vẫn đang còn hiệu lực. Cùng với đó, quy định về phân loại độ tuổi trong thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL cũng vẫn đang được áp dụng.
“Không phải chúng ta chỉ khăng khăng bảo vệ những gì đã quy định, bởi như vậy rất dễ rơi vào cứng nhắc. Chúng ta cũng cần bảo vệ sự phát triển của điện ảnh,” Tiến sỹ Trần Thanh Hiệp khẳng định. “Các thành viên hội đồng thẩm định có nhiệm vụ không để sơ sẩy, lọt những nội dung quy định pháp luật, những giá trị cốt lõi của dân tộc, song cũng phải tạo điều kiện cho sự tìm tòi, khai phá mới của người làm phim.”/.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()