Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:37 (GMT +7)
Triển khai các giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19 tháng 4/2022
Thứ 4, 30/03/2022 | 15:07:43 [GMT +7] A A
Sáng 30/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cấp tỉnh và các địa phương để kiểm điểm công tác phòng chống dịch Covid-19 tháng 3 và thống nhất các giải pháp trọng tâm trong tháng 4/2022.
Theo báo cáo của Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cấp tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 294.171 ca mắc Covid-19 (nhập cảnh 228 ca, nội địa 293.943 ca). Trong đó, riêng trong tháng 3/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 194.268 trường hợp mắc Covid-19. Tính đến ngày 27/3, trong tổng số 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, có 16 xã cấp độ 1; 4 xã cấp độ 2; 143 xã cấp độ 3 và 14 xã cấp độ 4.
Độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh đạt cao. Trong đó đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt 99,24%; mũi 3 đạt 95,49%. Đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 99,89%; mũi 2 đạt 97,97%. Hiện các đơn vị vẫn đang tiếp tục tổ chức tiêm vét cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hoãn tiêm, từ chối tiêm chủng; tiêm cho đối tượng trẻ em vừa đủ 12 tuổi và tiêm mũi 2, mũi 3 cho các đối tượng trên địa bàn đủ thời gian tiêm.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương cũng đã báo cáo nhanh và cho ý kiến góp ý, kiến nghị về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống dịch, như: Công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19; tổ chức khám, chữa bệnh cho người có tình trạng hậu Covid-19; cấp phát thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà; công tác rà soát quản lý đối tượng tiêm chủng phát sinh; việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch; cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động; chế độ chính sách hỗ trợ lực lượng y tế tuyến xã, phường; công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh; đặc biệt là công tác xây dựng Kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi.
Qua số liệu báo cáo và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Dự kiến từ nay đến cuối tháng 4/2022, diễn biến dịch và đặc biệt là số ca mắc mới sẽ ở mức “đáy”. Tuy nhiên, với việc quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” năm 2022, trong đó, việc đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn được đặt lên trên hết, trước hết, tỉnh vẫn sẽ kiên trì mục tiêu giảm tối đa ca mắc mới, số ca trở nặng và tử vong; giảm áp lực cho hệ thống y tế; đảm bảo an toàn cho đối tượng trẻ em chưa được tiêm vắc-xin.
Để thực hiện mục tiêu đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát, thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo, các văn bản hướng dẫn của các cấp, bộ, ngành và của tỉnh trong công tác phòng chống dịch; dành thời gian thỏa đáng, tập trung ưu tiên cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại.
Trong tháng 4 và phần còn lại của năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19 Quảng Ninh sẽ thực hiện là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi. Về nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nhanh chóng phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục họp bàn, chốt lại toàn bộ số liệu; chuẩn bị tất cả các phương án triển khai công tác tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, báo cáo lại Sở Y tế để báo cáo UBND tỉnh chậm nhất trong ngày 1/4; đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, không bỏ sót đối tượng, nhất là các đối tượng có bệnh lý, bệnh nền… để đảm bảo công tác tiêm được triển khai nhanh gọn và đảm bảo an toàn tối đa.
Ngành Y tế khẩn trương rà soát lại các đội tiêm chủng đã được tập huấn; tăng cường tối đa các đội cấp cứu của các bệnh viện tuyến đầu cho các điểm tiêm vùng sâu, vùng xa, nơi có năng lực y tế tuyến cơ sở chưa cao; đảm bảo mỗi điểm tiêm phải có ít nhất 1 đội cấp cứu có chuyên môn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp thay đổi tích cực và nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung cụ thể (loại vắc-xin tiêm, liều lượng tiêm, độ an toàn...) và ý nghĩa của việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Về một số nội dung, như: Quản lý, chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị F0 tại nhà; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch; giải quyết chế độ cho các đối tượng nhiễm Covid-19… ngành Y tế cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương rà soát lại thực trạng, đưa ra các giải pháp và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc hướng dẫn các địa phương trong việc mua chuẩn bị và cấp phát thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19; việc thực hiện các chế độ chính sách cho người mắc Covid-19 và các lực lượng tham gia phòng chống dịch; quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 và xử lý việc mua bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ… Về công tác tổ chức dạy học cho học sinh các cấp, các địa phương căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế để có chỉ đạo hợp lý, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Trong công tác tuyên truyền về phòng chống dịch, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành, đơn vị chức năng cần chú ý việc kiểm soát thông tin, định hướng dư luận; đẩy mạnh tuyên truyền về các gương người tốt việc tốt; tuyên truyền về những nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống dịch, nhất là vấn đề thuốc điều trị, hậu Covid, tiêm vắc-xin… Đồng thời ghi nhận, làm rõ các ý kiến trái chiều liên quan đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()