Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:00 (GMT +7)
Kiềm chế lạm phát, tăng đà phục hồi kinh tế
Thứ 5, 30/06/2022 | 10:01:36 [GMT +7] A A
Tăng trưởng kinh tế quý II/2022 tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, một số ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GDP đã trở lại mức tăng cao hơn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội quý II và sáu tháng đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm đạt 6,42%, là mức tăng cùng kỳ cao nhất trong các năm xảy ra đại dịch Covid-19.
Khởi sắc ở nhiều ngành, lĩnh vực
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm ước tính tăng 8,48% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66% đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất trang phục, sản xuất điện, hóa dược và dược liệu... cũng đạt được mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD... Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng ở mức hai con số cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã phục hồi, tham gia vào sản xuất và ổn định thu nhập.
Đáng lưu ý, sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ sau hơn ba tháng mở cửa nền kinh tế là yếu tố rất quan trọng giúp GDP trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. “Cùng kỳ năm 2020 và 2021, các ngành dịch vụ đều tăng trưởng âm nhưng từ đầu năm nay đã tăng trưởng dương trở lại ở mức hai con số nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19, triển khai Chương trình phục hồi kinh tế và mở cửa hoàn toàn đối với ngành du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm tăng 11,7% so cùng kỳ.
Các hoạt động doanh thu bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành đều phục hồi rất tích cực. Khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trở lại thay vì chỉ có các chuyên gia nhập cảnh như hai năm trước. Sự trỗi dậy của các ngành thương mại dịch vụ có đóng góp rất quan trọng vào mức tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Điểm lại thông tin Việt Nam là nước duy nhất được Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 trong khi điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, Phó Tổng cục trưởng Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết, các chỉ báo kinh tế của Việt Nam đều rất tích cực.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm đều vượt so với phương án cao của kịch bản tăng trưởng đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam có cơ sở, nền tảng để tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, dự báo mục tiêu tăng trưởng cả năm theo phương án cao ở mức 6,5% là có thể đạt được.
Nỗ lực kiềm chế lạm phát
Tổng cục Thống kê nhận định, đà phục hồi kinh tế đang gặp trở ngại khi lạm phát gia tăng và các giải pháp điều hành cần tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II/2022 mới tăng 2,96% so quý II/2021, CPI bình quân sáu tháng đầu năm tăng 2,44% so cùng kỳ năm 2021 nhưng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm và khó đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4%. Chỉ riêng mặt hàng xăng dầu, giá bán lẻ trong nước tăng 51,83% trong sáu tháng đầu năm đã khiến CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.
Do đó, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường về mức thấp nhất trong biểu thuế hiện hành và xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để không tăng giá bán lẻ trong nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, không áp dụng tăng giá theo lộ trình đối với dịch vụ y tế, giáo dục hoặc giãn tăng giá giữa các địa phương.
Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh sản xuất trong nước đối với các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án bảo đảm điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm ảnh hưởng lạm phát và đời sống người dân, bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm… Chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó các tình huống phát sinh.
Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; chuẩn bị tốt các hạ tầng để đón các đoàn khách du lịch quốc tế dịp cuối năm
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()