Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:26 (GMT +7)
Kích hoạt thị trường quà lưu niệm
Chủ nhật, 04/02/2024 | 11:47:39 [GMT +7] A A
Những nét văn hóa đặc trưng luôn có sức hấp dẫn với du khách, nhất là khách quốc tế. Du lịch văn hóa từ lâu được xác định là một trong những mũi nhọn nhằm biến các sáng tạo văn hóa Việt thành hàng hóa trong du lịch. Để du lịch văn hóa phát triển thì vai trò của quà tặng, quà lưu niệm cho du khách tại các điểm đến rất quan trọng.
Tôi từng được nhiều người bạn thích đi du lịch hoặc làm lữ hành chuyên nghiệp kể về nhiều món quà lưu niệm rất ấn tượng khi tới các điểm đến như: Biểu tượng cột cờ, con tàu vươn khơi ở Khu du lịch quốc gia mũi Cà Mau hay hình con cua, con ốc len, cá thòi lòi... được làm từ gỗ của du lịch Cà Mau.
Hay đó là hình tượng “Bé Sen” độc đáo của du lịch Đồng Tháp. Đó là những món quà lưu niệm độc đáo không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế.
Du khách từng đi tham quan nhiều địa phương ở Việt Nam, rất ấn tượng với các món quà mang tính biểu tượng đặc trưng vùng miền như: Lụa, áo lụa Hà Đông, gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh dân gian Đông Hồ khi tới thăm làng tranh ở Thuận Thành (Bắc Ninh), áo dài hoặc nón lá Huế nổi tiếng ở làng Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long...
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương và cả quốc gia. Bởi sau mỗi chuyến đi, bất cứ du khách nào đều mong muốn tìm được món quà lưu niệm đẹp, ý nghĩa về lưu niệm hoặc quà cho bạn bè, người thân. Đó là tâm lý chung của tất cả du khách đặc biệt du khách quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh đánh giá: Sản phẩm lưu niệm được xem là mặt hàng "xuất khẩu tại chỗ", bởi được bán ngay ở trong nước. Khách du lịch quốc tế chọn mua và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, tức là sản phẩm đã được ra khỏi biên giới, là vật dụng gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm.
Có thể thấy, đón đầu xu hướng này, các doanh nghiệp cũng tập trung phát triển được nhiều sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng riêng, có sức hút lớn. Các địa phương cũng luôn định hướng và phát triển cho mình một thương hiệu quà tặng riêng. Với Quảng Ninh, các món quà tặng đặc trưng cũng được quan tâm. Nổi bật như đồ mỹ nghệ làm từ than đá, sản phẩm ngọc trai Hạ Long, Vân Đồn.v.v…
Ở một số địa phương, du lịch được quan tâm cũng có một số sản phẩm mới mẻ đáng chú ý. Gần đây, Bình Liêu có mô hình nhỏ bằng tre mây đàn tính và các nhạc cụ dân tộc; Cô Tô phát triển các sản phẩm móc khóa, túi xách, cốc, hộp gỗ… in hình cảnh đẹp đặc trưng.
Đáng chú ý và có sức hút là: Các sản phẩm OCOP mây tre đan của làng nghề ngư cụ Nam Hòa (Quảng Yên); tượng, con giống bằng gốm sứ Đông Triều hay các sản phẩm mỹ nghệ than đá Quyết Bình ở TP Hạ Long. Đây là những sản phẩm đẹp, mang đặc trưng vùng đất, có giá trị và sức hấp dẫn lớn. Trong đó, nhiều sản phẩm ngoài làm quà tặng còn là yếu tố thu hút hay hấp dẫn doanh nghiệp đưa khách quốc tế ghé thăm.
Tuy nhiên trên thực tế, tham quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh, du khách đều có chung một ý kiến đó là sản phẩm, quà tặng lưu niệm còn đơn điệu, mẫu mã thiếu hấp dẫn. Phần nhiều là sản phẩm nhập từ tỉnh ngoài về. Trong khi đó, có một lượng lớn còn các sản phẩm đồ lưu niệm chủ yếu là vòng tay, sáo trúc và nhiều món quà có xuất xứ… từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng đều gặp nhiều khó khăn nhất định. Với ngọc trai thì giá thành hơi đắt, chỉ dành cho phân khúc thị trường quà lưu niệm cao cấp; còn sản phẩm lưu niệm đồ mỹ nghệ làm từ than đá thì gặp nhiều khó khăn trong tìm nguyên liệu sản xuất, xuất hóa đơn bán hàng; mặt hàng tranh, ảnh điện phong cảnh Vịnh Hạ Long lại cồng kềnh, dễ vỡ, khó di chuyển; gốm mỹ nghệ Quang Vinh thì chỉ sản xuất xuất khẩu, ít dành cho thị trường trong nước… Như vậy, đồ lưu niệm cho khách du lịch ở Hạ Long hiện vẫn chưa thực sự được phát huy.
Theo thống kê của ngành du lịch, nguồn thu từ mua sắm quà tặng ở các quốc gia phát triển du lịch chiếm gần 50% doanh thu. Con số này ở Việt Nam là khoảng 15-18%. Điều này cho thấy, tầm quan trọng trong kích hoạt thị trường quà tặng tại các trung tâm du lịch lớn. Vì thế, làm thế nào để tăng bản sắc văn hóa địa phương trong mỗi sản phẩm, đánh trúng được thị hiếu của du khách cả trong và ngoài nước vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()