Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:35 (GMT +7)
Kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ cuối năm
Thứ 2, 14/10/2024 | 10:26:36 [GMT +7] A A
9 tháng năm 2024, tiêu dùng nội địa có phục hồi nhưng chưa cao. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ đang là nhiệm vụ được đặt ra lúc này.
Tiêu dùng cuối cùng có bước đi chậm và ngắn
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 9/2024 ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.630,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,4%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; TP Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7%.
Bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 và mức tăng thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019).
Tuy nhiên, xét theo quy mô thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 có mức tăng trưởng khá so với các năm. Trong đó, năm 2024 so với năm 2023 tăng 379.108 nghìn tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 775.323 nghìn tỷ đồng. Theo đó, 9 tháng năm 2024 phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa cao.
Tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng trên 63% GDP, phản ánh vai trò rất quan trọng của động lực này đối với tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 6,18%, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng 6,82% của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù đã có sự “hỗ trợ tiêu dùng” của 12,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 8,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh tăng 5,8%, thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2023.
Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao; niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm có giá trị lớn.
Nguyên nhân của thực trạng này có nguồn gốc từ hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây nên, nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Làn sóng di cư của người lao động từ các khu công nghiệp về quê, chấp nhận việc làm bấp bênh trong khu vực phi chính thức với thu nhập thấp hơn, nhưng đổi lại người lao động được sống yên bình tại quê hương, không phải trang trải chi phí thuê nhà, có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập giảm nhưng cuộc sống thư thái, an yên.
Kích cầu tiêu dùng, đâu là giải pháp?
Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ là động lực có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
Do đó, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, để nâng cao tỷ lệ lao động của khu vực chính thức, tạo việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế VAT hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng nhu cầu chi tiêu.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) – kiến nghị, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân thông qua việc điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh khi đã lạc hậu và không còn phù hợp. Thu nhập thực nhận tăng lên, người dân sẽ mạnh tay mua sắm hơn.
Còn theo ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), nhà nước nên xem xét kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT thay vì chỉ áp dụng đến hết năm 2024. Thực tế, chính sách này đã phát huy thấy rõ hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Những chính sách hỗ trợ này có ý nghĩa rất quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phục hồi.
Để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024” và dự kiến sẽ được diễn ra từ ngày 2/12/2024 đến ngày 31/12/2024 trên phạm vi toàn quốc. Cùng với Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia, các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp kích cầu cấp tỉnh, thành phố.
Song song với các giải pháp kích cầu, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, các cấp các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của Chính phủ để đôn đốc, giám sát và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy cho đầu tư xã hội, đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Đồng thời, đề nghị tiếp tục triển khai các gói kích cầu tiêu dùng nhất là dịp cuối năm kết hợp với việc chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, trong đó chú trọng các loại hàng hóa thiết yếu và tại các khu vực chịu thiệt hại bởi bão lũ.
Tiêu dùng nội địa đang là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Cùng với các chương trình, chính sách khuyến mại, các chuyên gia cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước tương thấp đối trong thời gian vừa qua.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()