Khuyến mãi vẫn khó hút khách
Trong những ngày cuối tháng 10, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều doanh nghiệp, hệ thống cung cấp hàng hoá tiêu dùng trên địa bàn TP.Hà Nội đã nhanh chóng tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm những tháng cuối năm. Cụ thể, tại trung tâm thương mại Big C Thăng Long, nhiều chủ cửa hàng, quần áo thời trang đã phải đồng loạt treo biển giảm giá, khuyến mãi sâu từ 50 - 70% thế nhưng lượng khách đến mua vẫn nhỏ giọt, sức mua tụt mạnh so với thời điểm trước dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng (nhân viên một cửa hàng thời trang) chia sẻ: "Từ khi cửa hàng mở lại, dù đã giảm giá nhiều mặt hàng thế nhưng lượng khách vẫn rất vắng vẻ. Nếu như trước đây khi có các chương trình khuyến mãi, nhiều khách hàng sẽ qua cửa hàng mua sắm cho các thành viên trong gia đình, nhưng thời điểm này hầu như rất hiếm".
Theo chị Hồng, để tăng doanh số của cửa hàng, các nhân viên tại đây còn phải kiêm thêm nhiều việc như: Tư vấn online, livestream bán hàng qua mạng. Đặc biệt, khi có khách đặt hàng quần áo giảm giá, cửa hàng thậm chí còn phải video call trực tiếp để tư vấn, kết nối nhưng doanh số cũng chỉ đạt chưa đến 50% so với thời điểm trước dịch.
Mở cửa trở lại sau nhiều tháng tạm nghỉ vì dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Hoa (chủ siêu thị mini ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng cho biết: “Thời điểm này vào các năm về trước, siêu thị cũng đã lên kế hoạch nhập hàng cho những tháng cuối năm rồi. Song năm nay do lượng hàng tại kho còn nhiều, sức mua của người dân rất thấp nên hiện tại siêu thị chưa có kế hoạch gì, vẫn chỉ nhập những hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng đơn giản. Thời gian nghỉ dịch quá dài, hàng hoá ứ đọng khiến siêu thị khó rút vốn, xoay vòng kinh doanh”.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức mua trong thời điểm này chưa có được sự bứt phá do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập của người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân trong tháng 9 tháng năm 2021 của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III/2021 giảm mạnh, còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (giảm 300.000 đồng); trong khi quý II/2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị, để nâng sức mua của người dân cần có các giải pháp để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho vay tiêu dùng dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các nhu cầu mua sắm. Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thực tế tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho hay, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỉ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Thực tế đó cho thấy, dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Nhưng tín dụng tiêu dùng qua nhiều vụ việc cũng gặp phải một số bất cập cho thấy, việc tiếp cận gần hơn với người dân cần được cải thiện. Quá trình thẩm định, lãi suất, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đang trở thành những rào cản lớn và vô tình đã đẩy người dân về phía "tín dụng đen" đi cùng là các loạt hệ luỵ tiêu cực.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho các tổ chức tín dụng mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động cho vay tiêu dùng, để hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền, từ đó gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Mới đây, một ngân hàng quốc doanh cũng cho biết, đã dành 20.000 tỉ đồng để triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân trong nửa cuối năm 2021.
Một điểm đáng chú ý, đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đang tích cực cùng các cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ, tiến tới triển khai sớm dịch vụ Mobile Money cho phép người dân sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ. Với khoảng hơn 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động, Mobile Money được kỳ vọng sẽ cung cấp một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch. Các chuyên gia cho biết, Mobile Money sẽ giúp tăng lượng tiếp cận của người dân, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa với các dịch vụ tài chính, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân ngày càng tăng trưởng.
Lấp khoảng hụt thu nhập từ tín dụng tiêu dùng
Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm và khiến thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian qua.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhận định đại dịch COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 khó khăn hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%. Đáng chú ý thu nhập bình quân tháng là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động ở khu vực thành thị vốn là địa bàn có mức chi tiêu, mua sắm lớn lại chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Trong đó có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.
Từ thực tế trên, để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng nội địa của người dân trong 2 tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng cần mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp với các điều khoản linh hoạt hơn cho phép người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng thời mở rộng và đa dạng các kênh liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân có thể thuận lợi mua sắm hàng hóa tương tự như với các sản phẩm bảo hiểm, bất động sản đang được ngân hàng và doanh nghiệp rầm rộ triển khai.
Ý kiến ()