4
18
/
1100346
"Kích cầu" đầu tư ngoài ngân sách
longform
"Kích cầu" đầu tư ngoài ngân sách


Thu hút đầu tư ngoài ngân sách trong 2 năm qua, đặc biệt là ở năm 2021, dưới tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đã trở thành bài toán khó ở nhiều địa phương trong cả nước. Thế nhưng, Quảng Ninh đã tìm được lời giải cho bài toán hóc búa này. Năm 2021, nhiều dự án ngoài ngân sách, trong đó có những dự án quy mô lớn, tầm nhìn dài hạn liên tục “đổ bộ” vào tỉnh. Cùng với đó, hàng loạt các nhà đầu tư đã, đang tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được nghiên cứu, phát triển các dự án tại tỉnh trong tương lai gần. Đây là cơ hội lớn để Quảng Ninh đón đầu hiệu quả các làn sóng đầu tư mới trong đại dịch, cũng như chuẩn bị cho chặng đường bứt phá “hậu Covid-19”.

Jinko Solar là một trong những Tập đoàn sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn, Việt Nam là một trong những quốc gia được lựa chọn đầu tư. Chính vì vậy, Tập đoàn đã cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn địa phương triển khai dự án.

“Chúng tôi đã đến Việt Nam khảo sát ở hơn 20 tỉnh, thành phố, với hơn 30 khu công nghiệp khác nhau. Đầu năm 2021, đoàn khảo sát của Jinko Solar đã đến KCN Sông Khoai của tỉnh Quảng Ninh, sau khi phân tích và so sánh với nhiều khu công nghiệp khác, chúng tôi đã quyết định chọn KCN Sông Khoai đầu tư, làm cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như sự phối hợp hỗ trợ tận tình, chu đáo của các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh. Quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án diễn ra rất nhanh, trong vòng 6 ngày, và được tỉnh cho ý kiến chấp thuận đầu tư chỉ trong 1 ngày. Jinko Solar cam kết sẽ huy động đủ nguồn lực, triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng sản xuất, để dự án sớm được đưa vào vận hành, khai thác.”- Ông Beyond Huang, Giám đốc dự án Jinko Solar Việt Nam, chia sẻ.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Tính riêng năm 2021, Jinko Solar đã đầu tư 2 dự án rất lớn tại KCN Sông Khoai, tổng nguồn vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Đến nay, 2 dự án này đang tích cực được triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, cam kết của nhà đầu tư với tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến đến tháng 6/2022, dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam sẽ bắt đầu đi vào sản xuất. Sau khi đi vào hoạt động, doanh thu bình quân của dự án sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD/năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước sau thời gian ưu đãi khoảng 873 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức thu nhập cao. Bên cạnh đó, để tính phương án lâu dài, Tập đoàn đang tiếp tục nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng khu nhà ở chuyên gia tại TP Hạ Long và khu nhà ở công nhân tại TX Quảng Yên.

Quảng Ninh đang được các nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư được Việt Nam xác định là nhà đầu tư chiến lược hàng đầu như Hàn Quốc dành nhiều sự quan tâm. Ông Park Jung Kil, Chủ tịch Tập đoàn Bumjin (Hàn Quốc), cho biết: Qua 2 năm phát triển dự án nhà máy sản xuất loa điện tử tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), chúng tôi đã được tạo điều kiện tối đa. Nhờ vậy việc xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, hoạt động 100% công suất chỉ sau 24 tháng triển khai. Tính trong 10 tháng năm 2021, doanh thu của dự án đạt gần 100 triệu đô la Mỹ. Với những ưu đãi và sự thuận lợi trong đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh, Tập đoàn đã có kế hoạch đưa thêm các dự án, sản xuất thêm các dòng sản phẩm chất lượng, tăng doanh thu hoạt động tại Quảng Ninh. Rất nhiều các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang có ý định tìm hiểu để phát triển dự án tại Quảng Ninh.

Chế tạo màn hình tivi tại Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam) tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Bất chấp những tác động của đại dịch đến nền kinh tế, các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Quảng Ninh năm 2021 vẫn rất sôi động, nhất là ở 2 quý cuối năm. Theo tổng hợp của Sở KH&ĐT, đến hết tháng 11/2021, tổng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước tham gia đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 361.143 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án, với tổng nguồn vốn đăng ký và tăng thêm trên 46.480 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2020; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 54 dự án, với tổng nguồn vốn đăng ký trên 314.663 tỷ đồng.

Cuối tháng 10/2021, Quảng Ninh tạo được sự thu hút rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư khi chính thức khởi công, khởi động 4 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 280.000 tỷ đồng.  4 dự án kể trên, gồm: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; dự án Sân golf 27 lỗ tại TX Đông Triều; dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái. Các dự án đều có quy mô rất lớn, trải dài trên nhiều địa phương, từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư là rất lớn. Điểm nhấn lớn nhất trong loạt dự án khởi động này, đó là dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, với tổng vốn đầu tư hơn 230.000 tỷ đồng, được thực hiện trên diện tích 4.000ha. Đây sẽ là khu đô thị phức hợp đa năng, mang bản sắc đô thị ven biển, gắn với khu nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và dịch vụ; đô thị xanh định hướng phát triển hiện đại, đồng bộ, quan tâm đến yếu tố bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử truyền thống, khai thác yếu tố cảnh quan mặt nước tự nhiên.

Phối cảnh Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long.

Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đã rất thành công trong thực hiện thu hút đầu tư ngoài ngân sách, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế. “Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” chính là một trong những cách làm thể hiện rõ sự sáng tạo, quyết tâm đổi mới của Quảng Ninh trong thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển.

Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2020, tỉnh đã thu hút được hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có trên 100.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư. Theo thống kê, cứ một đồng tiền ngân sách nhà nước bỏ ra thì sẽ huy động được từ 8-9 đồng từ ngoài ngân sách, tạo đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khu công nghiệp, khu kinh tế… thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký Ủy viên Trung ương Đảng  Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Vân Đồn Móng Cái.

Xác định nguồn lực từ ngân sách chỉ là “vốn mồi” để kích thích, thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách phục vụ cho nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, ngay trong đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh đã Ban hành Chương trình hành động số 131/CTr-UBND để triển khai thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện việc nâng cao các chỉ số cải cách. Riêng đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu rõ: Đối với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện công bố công khai các quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư; thường xuyên, chủ động rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường, thuế, bảo hiểm..; quy hoạch quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu san lấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải chủ động hỗ trợ giải quyết nhanh chóng kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh tình hình doanh nghiệp, nhà đầu tư khu vực dân doanh để có các giải pháp kịp thời hỗ trợ.”

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni.

Là chuyên gia kinh tế có thời gian dài gắn bó với Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho biết: Tôi đặc biệt đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân. Việc các dự án sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư thời gian vừa qua cho thấy, tỉnh Quảng Ninh rất quyết tâm và kỳ vọng vào sự thay đổi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trên địa bàn tỉnh. Đây là điều mà rất ít các địa phương làm được từ trong thực lực cũng như đặt ra trong bối cảnh hiện tại, khi mà dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Ước tính cả năm 2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 360.774 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 46.288 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1,0 tỷ USD, gấp 2,67 lần cùng kỳ; phê duyệt mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 53 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 314.486 tỷ đồng.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp niềm tin, uy tín của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với tỉnh Quảng Ninh, tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, đặt chỉ tiêu  tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10% so với năm 2021, riêng thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD.

Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra giải pháp đối với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sở, ngành của tỉnh là cần thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát, sửa đổi các cơ chế, quy định, quy trình bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn; tiếp tục cắt giảm tối đa và đơn giản hóa các TTHC, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, nhất là lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai… để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tạo ra giá trị tăng lớn và ít hao tổn nguồn tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường sống.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

 “Ngoài những biện pháp đảm bảo các TTHC đơn giản, gọn nhẹ cho các nhà đầu tư, trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm sẽ hoàn thành một số dự án, công trình động lực, trọng điểm, như: cầu Cửa Lục 3, đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc. Đây là những dự án sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng cũng như khu vực, được tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng là “thỏi nam châm” có sức thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế tư nhân vào địa bàn tỉnh trong năm 2022 cũng như cho cả quá trình sau này.” - Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ.


Thực hiện: Hồng Nhung - Mạnh Trường

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh