Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:34 (GMT +7)
Khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
Thứ 2, 15/04/2024 | 07:51:54 [GMT +7] A A
Ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, thêm động lực cho nông nghiệp của tỉnh phát triển. Tuy nhiên đến nay việc triển khai Nghị quyết chưa đạt kết quả như mong muốn.
Bình Liêu có 9 dự án được phê duyệt thực hiện theo Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND. Địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai chính sách đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, thông qua các cuộc họp giao ban của huyện, UBND các xã, thị trấn. Đồng thời cơ quan chuyên môn của huyện có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, cụ thể hóa chính sách trong hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ dong riềng trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2023, huyện thực hiện 5 dự án liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dong riềng phục vụ sản xuất miến dong Bình Liêu tại các xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động, tổng kinh phí từ NSNN thực hiện giải ngân hỗ trợ sau đầu tư gần 1,7 tỷ đồng, các hạng mục hỗ trợ là giống, phân bón, vật tư và lãi suất ngân hàng.
Như vậy, sau 3 năm trên địa bàn huyện mới có 5/9 dự án được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNN huyện, hiện chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng quy mô còn nhỏ, năng lực yếu, tư duy sản xuất còn lạc hậu. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ đất đai chưa đủ mạnh, không có quỹ đất sạch và chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí GPMB để thu hút đầu tư, hạ tầng phục vụ sản xuất vào các vùng tập trung chưa đáp ứng yêu cầu... Điều đáng nói, hầu hết các quy định gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư, nên các doanh nghiệp, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực kinh tế, có kiến thức để thực hiện các thủ tục đầu tư. Như vậy, với các doanh nghiệp nhỏ, HTX, tổ hợp tác tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, rất khó tham gia.
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2023 hỗ trợ 46 dự án cấp huyện cho khoảng 762 cá nhân, tổ chức tại một số địa phương (chủ yếu là Bình Liêu và Ba Chẽ), tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới thực hiện được gần 5,4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mặc dù Nghị quyết nhận được sự quan tâm lớn, nhưng kết quả triển khai trong 3 năm qua chưa đạt hiệu quả mong đợi. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác; các hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít, thiếu chặt chẽ... Ngoài ra, nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh hằng năm phân bổ về các địa phương để thực hiện chương trình xây dựng NTM, sau đó UBND các địa phương chủ động phân khai cho các dự án thực hiện 2 nội dung: Xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất. Tuy nhiên thực tế ghi nhận tại các địa phương, chủ yếu cho đầu tư xây dựng, còn phát triển sản xuất nhìn chung bố trí tỷ lệ vốn ít.
Từ những khó khăn trên, cần có sự vào cuộc, gỡ khó một cách cụ thể, thiết thực của chính quyền địa phương, nỗ lực của chủ thể trong mỗi chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Qua đó Nghị quyết mới đi vào cuộc sống, góp phần tạo nền tảng vững vàng để ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển tốt hơn thời gian tới.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()