Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:36 (GMT +7)
Khuyến học, khuyến tài ở dòng họ Phạm Phúc, thôn Đình, xã Tiền An
Chủ nhật, 25/09/2022 | 10:39:00 [GMT +7] A A
Nằm bên cạnh Trường Tiểu học xã Tiền An (TX Quảng Yên) không xa, ngôi nhà thờ của dòng họ Phạm Phúc ở thôn Đình, xã Tiền An đang sắp hoàn thiện trong niềm vui mong mỏi của con cháu dòng tộc.
Chúng tôi đến thăm nhà thờ họ của dòng họ Phạm Phúc ở thôn Đình, xã Tiền An vào một ngày thu, trời vừa ngớt mưa sau những ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2. Bên ngôi nhà kế bên, nhiều cụ trong họ đang ngồi bàn việc khánh thành nhà thờ họ tới đây và những công tác khuyến học, khuyến tài cho năm học mới vừa bắt đầu.
Lần mở cuốn gia phả dày cộp, ông Phạm Phúc Thiện, đời thứ 12 của dòng họ Phạm Phúc cho biết, theo lịch sử gia phả, tổ tiên dòng họ Phạm Phúc ở thôn Đình vốn ở làng La Khê, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (Hà Nội). Vào thế kỷ 16, sau khi nhà Mạc giành ngôi nhà Lê, nhiều trung thần nhà Lê không phục tùng nhà Mạc nên nhiều người tìm nơi ẩn dật. Theo gia phả, “cụ thuỷ tổ dòng họ Phạm Phúc đã đem theo người em gái là Hoàng Thị Thức xuôi dời đến An Lạc Khê, thuộc thôn La Khê, xã Tiền An bây giờ mà sinh cơ lập nghiệp. Từ đấy đến nay, ngày càng thịnh phú quý đều đủ, khoa hoạn kế xuất, văn võ kiêm toàn. Văn có cụ Phạm Đình Cận đỗ cử nhân, Phạm Đình Toản, Phạm Anh Hoa đỗ tú tài. Võ có cụ Phạm Bá Kham làm đến Quả cảm tướng quân xung chức Phó vệ uý vốn dòng vọng tộc xưa nay”.
Đáng chú ý, làng La Khê, xã Tiền An cũng là tên làng La Khê ở huyện Từ Liêm (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Đầu những năm 60 của thế kỷ 19, làng La Khê, xã Tiền An từng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân của “giặc biển” Tạ Văn Phụng và quân triều đình nhà Nguyễn. Tháng 6/1864, trong trận đánh lớn giữa hai bên ở làng La Khê, Hiệp thống Đại thần Trương Quốc Dụng và Tuần phủ Quảng Yên kiêm Tán lý quân thứ Hải Yên là Văn Đức Giai đã chết trận tại đây. Nhân dân thương tiếc đã lập đền thờ, nay là đền Quan Đại, thuộc thôn La Khê – di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trải qua bao cuộc binh lửa, dòng họ Phạm Phúc đã sinh sôi, phát triển, đến nay đã được 16 đời, với trên 500 hộ. Con cháu sinh sống trên mọi miền đất nước nhưng tập trung chủ yếu tại xã Tiền An. Trong họ hiện có 70 cụ trên 80 tuổi. Có 1 cụ 101 tuổi, 73 tuổi đảng là cụ Phạm Văn Bình. Để tưởng nhớ tiên tổ, con cháu trong dòng họ đã đóng góp công của xây dựng nhà thờ họ khang trang, diện tích 200m2, kinh phí ước hơn 3 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 3/2022, chất liệu bê tông, cốt thép nhưng được làm theo lối nhà thờ họ truyền thống như nhiều nhà thờ họ ở Hà Nam, do những kíp thợ kén từ Thái Bình và Chương Mỹ (Hà Nội) thi công, dự kiến khánh thành vào cuối tháng 10 này.
Bồi đắp truyền thống tổ tiên, dòng họ Phạm Phúc đã luôn quan tâm giáo dục con cháu phải uống nước nhớ nguồn, giữ gìn nền nếp cha ông để lại. Gia phả của dòng họ được ghi chép tỷ mỉ, rành mạch thế hệ, phả hệ để con cháu nối tiếp biết “anh trên, em dưới”.
Mặc dù đa số các hộ trong dòng tộc sinh sống bằng nghề nông nghiệp nhưng từ nhiều năm qua, dòng họ Phạm Phúc thôn Đình luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Họ đã thành lập Ban Khuyến học, khuyến tài gồm tộc trưởng là trưởng ban, các phó ban, uỷ viên, thư ký và kế toán. Ban Khuyến học đã tham mưu Hội đồng Gia tộc xây dựng quy chế khen thưởng, lập quỹ khuyến học của dòng họ từ nguồn đóng góp hàng năm bằng 30.000 đồng/suất đinh và từ hảo tâm công đức của các cá nhân.
Theo quy chế, học sinh tiểu học đến sinh viên đại học đạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp thị xã trở lên thì được cộng tổng các giải thưởng trong năm. Hàng năm, các bếp có trách nhiệm tổng hợp giấy khen nộp cho Ban Khuyến học. Các học sinh đạt khen thưởng sẽ được tuyên dương trong ngày giỗ tổ 10 tháng Giêng.
Đối tượng được khen thưởng là tất cả trai gái, dâu họ từ tuổi mầm non đến đại học, tiến sĩ; gia đình có hoàn cảnh khó khăn vẫn nuôi dạy con tốt, các cháu khuyết tật vươn lên trong học tập, mức thưởng là từ 100.000 -500.000 đồng. Tuy phần thưởng không lớn về vật chất, nhưng việc được tuyên dương trước dòng họ là sự vinh dự, tự hào rất lớn với cá nhân và gia đình người được khen thưởng. Qua đó, là động lực để họ vươn lên nữa và cũng là tấm gương cho mọi người noi theo.
Tính từ năm 2001- khi thành lập Ban Khuyến học đến nay, dòng họ Phạm Phúc thôn Đình đã khen thưởng cho trên 530 học sinh giỏi cấp trường, 130 học sinh giỏi cấp thị xã, 38 học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 học sinh giỏi cấp quốc gia với tổng số tiền thưởng hàng trăm triệu đồng. Nhiều người học thành tài trở thành cán bộ quản lý, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Tính từ năm 2004 đến nay, dòng họ Phạm Phúc đã nhiều lần được Uỷ ban Nhân dân xã Tiền An, Uỷ ban Nhân dân huyện Yên Hưng và nay là thị xã Quảng Yên tuyên dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học.
T.M
Liên kết website
Ý kiến ()