Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:09 (GMT +7)
Khung trời tuổi thơ êm đềm
Thứ 3, 22/02/2022 | 11:02:06 [GMT +7] A A
Tập thơ “Rung cảm đầu đời” đưa độc giả lội ngược dòng thời gian, tìm về những ký ức xa xưa đầy ấm áp, ngọt ngào.
“Con nhớ quá những đêm mưa tầm tã / Chạy tìm thau hứng nước dột giữa nhà / Nhìn qua song ánh chớp cứ lập lòe / Chong đèn thức học bài cho tới sáng /… Nhờ nỗi nhớ đưa tình thương trở lại / Khi xa nhau ta mới nhớ về nhau / Để êm đềm những kỷ niệm ta trao / Để hạnh phúc mỗi khi tràn nỗi nhớ” là những câu thơ trong bài Nỗi nhớ nhà, được “bé Lê Quốc Triều” làm khi đang học lớp 7.
Tập hợp những bài thơ được sáng tác từ những năm học lớp 3 đến lớp 9, mới đây, tác giả Lê Quốc Triều (thiền sư Minh Niệm) cho ra mắt bạn đọc tuyển tập Rung cảm đầu đời. Sách do Phương Nam Book liên kết Nhà xuất bản Văn học thực hiện.
Lội ngược dòng tìm về quá khứ
Thiền sư Minh Niệm được biết đến là tác giả của các cuốn sách best-seller như Hiểu về trái tim (2011), Làm như chơi (2016) được đón nhận rộng rãi và tái bản nhiều lần.
Trong tập thơ ra mắt lần này, tác giả tự xưng là “bé Lê Quốc Triều” như một cách nâng niu, trân trọng phần đời đã qua. Danh xưng cũng giúp ông xây dựng nên phiên bản tinh khôi hơn của chính mình.
Hướng đến đối tượng thiếu nhi nhưng mỗi bài trong tập Rung cảm đầu đời đều có thể là tấm vé trở về tuổi thơ cho những người trưởng thành đang muốn tìm lại hình bóng của mình năm xưa, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hóa hiện nay.
Cuốn sách gồm 50 bài thơ, mở ra trước mắt người đọc khung trời tuổi thơ tại miền quê xanh mướt, thuở còn chưa có tivi, phim ảnh và Internet.
Tác giả Lê Quốc Triều chia sẻ: “Tôi và những bạn bè đồng trang lứa chỉ biết có hai đối tượng, đó là con người và thiên nhiên. Vì vậy mà sự thấu hiểu và cảm thông đối với những người thân, hay sự gắn bó và tôn trọng môi trường sống trở nên sâu sắc hơn và là một phần giá trị bậc nhất của con người”.
Mỗi bài thơ trong cuốn sách đều được ghi lại bằng cái nhìn trong trẻo, thuần khiết dưới góc nhìn của một đứa trẻ thuở lên 10 đối với từng nhân vật hay sự kiện xảy ra trong đời sống.
Đó có thể là lời tâm tình chân thành về những người thân trong gia đình, kỷ niệm khó quên bên mái trường, tình yêu thương dành cho những con vật nhỏ bé hay sự gắn bó với quê hương yên bình và những trò chơi hồi nhỏ.
Với tập thơ này, độc giả sẽ có cơ hội lội ngược dòng thời gian, tìm về ký ức xa xưa đầy ấm áp. Ký ức bên ông bà, cha mẹ, người bạn tâm giao như bất chợt ùa về. Đan xen vào đó là trăn trở, rung cảm đầu đời về tình yêu, tình bạn.
Sợi dây đánh thức ký ức
Tác giả nhận định rằng giữa ông và tuổi thơ luôn có một sợi dây gắn kết không tách rời. Những gì xảy ra trong tuổi thơ đều góp phần hình thành nên tính cách hiện tại. Khi bước vào khung trời tuổi thơ của “bé Lê Quốc Triều”, ta như được đánh thức cùng ký ức êm đềm của những ngày đầu tiên đến với cuộc đời này.
Ở đó, người đọc còn thấy được những dự cảm đầy tiếc nuối của một đứa trẻ khi ngắm nhìn cảnh sông nước đồng quê: “Ơi đò ơi, bây giờ là tháng Tám / Nhịp cầu tre đã vắt vẻo trên sông / Bước qua cầu sao dạ cứ mênh mông / Sợ cầu gãy hay sợ đò quạnh vắng?”, trích bài thơ Thương quá con đò.
Những vần thơ trong trẻo, mang hơi thở thuần khiết của tuổi nhỏ hồn nhiên được kết hợp cùng tranh minh họa của họa sĩ Thông Nguyễn khiến độc giả có cảm giác cả tập sách như mở ra lối về thời ấu thơ với đầy hoa thơm, trái ngọt, nhưng đôi lúc cũng xen lẫn nước mắt cùng nỗi nhớ ngậm ngùi.
Những nét vẽ công phu và sống động được in màu hoàn toàn như khoác lên từng vần thơ những gam màu màu tươi trẻ, cuốn hút.
Khung trời tuổi thơ của tác giả cũng là mảnh ký ức khó quên đối với nhiều người sống cùng thế hệ. Do đó, tập thơ dành cho cả độc giả nhỏ tuổi lẫn người lớn muốn tìm lại xúc cảm đầu đời thông qua những vần thơ giản dị nhưng không kém phần trữ tình.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận xét những bài thơ này làm cho người đọc cảm thấy như mình vừa bắt gặp được một rặng tầm xuân còn đang nở dọc lối đi. Những bông hoa ấy thuần khiết, hồn nhiên, nhưng lại đang hoàn thành trách nhiệm cao cả là dẫn dắt người ta trở về tuổi thơ.
Ông nói thêm: “Thơ của tác giả Lê Quốc Triều hồn nhiên như cỏ cây, hoa lá. Điều đó không phải ai muốn là thể hiện được. Nó là tự nhiên, một thứ của trời đất, của cuộc sống và vũ trụ này. Nó không chứa đựng mong muốn nhiều nhặn hay truy đuổi một thứ gì ghê gớm. Nó cũng giản dị như việc hoa đến thì, thì hoa sẽ nở”.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()