Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Khung tam giác tập đi/đứng cho trẻ khuyết tật
Thứ 2, 11/12/2023 | 08:36:18 [GMT +7] A A
Với mong muốn để trẻ khuyết tật vận động có thể đi lại được, bác sĩ Lê Thu Huyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh và nhóm nghiên cứu đã sáng chế ra dụng cụ “Khung tam giác tập đi/đứng cho trẻ khuyết tật”. Sáng kiến này đã hỗ trợ rất nhiều cho trẻ trong quá trình phục hồi chức năng, giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
Chăm lo phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần cho trẻ luôn được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có những em nhỏ ngay từ khi sinh ra đã phải chiến đấu với bệnh tật, không được lành lặn, bình thường như các bạn cùng trang lứa.
Bác sĩ Lê Thu Huyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Trẻ khuyết tật luôn là đối tượng thiệt thòi, đặc biệt là trẻ khuyết tật vận động. Giai đoạn 2020-2022, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận từ 150-300 bệnh nhân nhi bị bại não, chậm phát triển vận động đến khám, điều trị; trong đó trẻ đang giai đoạn tập đi chiếm khoảng 30-40%. Hiện tại dụng cụ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật tập đi/đứng của bệnh viện còn thiếu, kích thước thường lớn, đa số dành cho người trưởng thành, không phù hợp với trẻ nhỏ. Do đó đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên thường phải dùng tay và tận dụng ghế, giường bệnh, tường hoặc là xe tập đi bằng gỗ để hỗ trợ trẻ phục hồi chức năng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ hỗ trợ được 50% cho trẻ và thường gây áp lực, tâm lý sợ sệt ở trẻ.
Với mong muốn mang đến một cuộc sống tốt hơn cho những trẻ em bị khuyết tật vận động, bác sĩ Lê Thu Huyền và đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên y tế của Bệnh viện đã sáng chế ra dụng cụ khung tam giác tập đi/đứng cho trẻ. Sáng kiến này được bác sĩ và nhóm nghiên cứu triển khai từ cuối năm 2019, hoàn thành, đưa vào thử nghiệm ở trẻ từ tháng 1/2020.
Qua áp dụng trên 100 bệnh nhân nhi khuyết tật cho thấy, sau khi sử dụng dụng cụ, trẻ phục hồi tốt hơn, tình trạng tăng trương lực cơ, thăng bằng, tầm vận động khớp cổ chân và vận động thô được cải thiện. Bên cạnh đó, trẻ hợp tác hơn, thích thú hơn trong quá trình phối hợp điều trị, giảm được áp lực cho nhân viên y tế cũng như người nhà bệnh nhân, nhờ đó nâng cao chất lượng điều trị, phục hồi chức năng.
Bệnh nhi Đặng Thị Thủy Giang (SN 2017) bị bại não liệt tứ chi co cứng. Trước khi áp dụng kỹ thuật, trẻ yếu tứ chi, vận động khớp cổ chân hạn chế, vận động thô chỉ tương đương với trẻ gần 8 tháng tuổi; sau khi có sự trợ giúp của khung tam giác và nẹp dưới gối, đã có thể đi lại theo đường thẳng, vận động thô tăng lên, trương cơ lực giảm. Bệnh nhi Đỗ Linh Chi (SN 2018), bị bại não, 2 chân yếu; sau một thời gian trị liệu có sử dụng dụng cụ khung tam giác, đã có thể đứng vịn được, tự đẩy khung di chuyển được 1-2m.
Theo bác sĩ Huyền, so với một số dụng cụ tập đi, đứng trên thị trường, ưu điểm của dụng cụ này đó là có kích thước, khối lượng tương đối nhỏ gọn, nhẹ, phù hợp với trẻ nhỏ, diện tích chân để giữ cho khung có độ vững cao, không bị đổ kể cả khi trẻ đẩy ra; thanh ngang, tay cầm, bánh xe dễ đẩy, tạo thuận lợi tối đa cho trẻ tập bước, giúp trẻ có thể dễ dàng di chuyển xa hơn đến những nơi trẻ muốn.
Dụng cụ có thể điều chỉnh để phù hợp với chiều cao, khả năng vận động của từng trẻ. Đặc biệt với thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, dụng cụ có thể dùng cho trẻ tập luyện tại nhà mà không cần thiết phải đến cơ sở điều trị.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()