Tất cả chuyên mục

Gần 10 năm từ ngày ý tưởng xây dựng Khu kinh tế (KKT) tổng hợp Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ bằng Quyết định 786/2006 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn và Quyết định 120/2007 về thành lập KKT ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã luôn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để hiện thực hoá những ý tưởng phát triển, để Vân Đồn cùng với Vân Phong, Phú Quốc trở thành 3 đột phá của đất nước. Cũng trong gần 10 năm ấy “sức nóng” về xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn chưa lúc nào “giảm nhiệt” trong các hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Không còn chuyện “con gà - quả trứng”
Để phát triển KKT Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững cho Quảng Ninh, từ năm 2006 theo Quyết định 786 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn đã đề cập đến việc xây dựng sân bay, khu vui chơi giải trí phức hợp có casino tại Vân Đồn. Cũng trong thời gian này tỉnh Quảng Ninh đã liên tục tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án lớn tại KKT. Và một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của các nước Hàn Quốc, Mỹ cũng đã đến tìm hiểu cơ hội và thực sự có thiện chí đầu tư. Nhưng cũng trong suốt thời gian đó các nhà đầu tư đến rồi đi vì người muốn làm khu vui chơi giải trí phức hợp có hạng mục casino sẽ chỉ đầu tư khi có sân bay. Bởi đối tượng họ hướng tới là khách quốc tế, là những thương gia, doanh nhân, họ cần tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển. Tuy nhiên, trong bối cảnh Vân Đồn hiện tại khi quãng đường di chuyển từ sân bay quốc tế Nội Bài hay Cát Bi đến là quá xa, trong khi đường cao tốc chưa có. Còn nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư dự án sân bay Vân Đồn thì lại đưa ra lý do quan ngại của mình là nếu khu vui chơi giải trí phức hợp có hạng mục casino chưa có nhà đầu tư thì việc làm sân bay sẽ không thực sự hiệu quả. Các chuyên gia đã ví câu chuyện đầu tư sân bay - casino trong KKT Vân Đồn như chuyện con gà - quả trứng được bàn qua bàn lại trong gần 10 năm ấy. Rồi còn chuyện xây dựng một đặc khu kinh tế thì thể chế thế nào cũng ngót nghét 3 năm trời chưa xong.
![]() |
Thi công dự án đường từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến Khu công viên phức hợp phía đông đảo Cái Bầu (Vân Đồn). Ảnh: Đỗ Phương |
Gần 10 năm, Quảng Ninh đã rất sốt ruột khi cùng thời điểm vận hành ý tưởng xây dựng, với hiện trạng và định hướng phát triển có nhiều nét tương đồng như KKT Vân Đồn nhưng đến nay ở KKT Phú Quốc đã có một số công trình trọng điểm hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả, tạo được động lực để thu hút đầu tư và phát triển như: Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông. Trên lĩnh vực du lịch, nhiều dự án, công trình quan trọng quy mô lớn, nhất là nhiều khách sạn cao cấp được các nhà đầu tư tích cực triển khai ở khu du lịch Bãi Trường, Bãi Dài, Bãi Khem, Bãi Sao.
Không thể chậm nhịp phát triển quá xa so với Phú Quốc, tỉnh Quảng Ninh quyết định thay đổi phương pháp tiếp cận, cách làm. Vừa chủ động tìm, mời gọi nhà đầu tư đủ lực để có thể làm cả sân bay và khu du lịch phức hợp có casino trong cùng một lúc, tỉnh vừa tự bỏ ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng làm cơ sở hạ tầng. Đây là thông điệp khẳng định quan điểm thống nhất, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư, quyết tâm của cả hệ thống chính trị để tạo động lực phát triển ở KKT đặc biệt này. Và Sungroup - một “đại gia” máu mặt sau khi đã thành công vang dội tại Đà Nẵng với hàng loạt dự án lớn mang tầm cỡ khu vực đem đến cho Đà Nẵng một diện mạo mới, một thương hiệu du lịch đẳng cấp thế giới đã chọn Quảng Ninh là điểm đến mới cùng với các dự án nghìn tỷ, trong đó có dự án Sân bay Vân Đồn và khu du lịch phức hợp có casino trong KKT.
Với dự án đầu tư Cảng hàng không Quảng Ninh có tổng số vốn trên 7.500 tỷ đồng, Sungroup đã thành nhà đầu tư số 1 vào KKT Vân Đồn và cũng chính nhà đầu tư này đã giúp Quảng Ninh gỡ đầu mối sân bay - casino đã bị vướng trong suốt gần 10 năm qua. Không để nhà đầu tư phải chờ đợi, song cùng với việc mời gọi, tỉnh Quảng Ninh đã cấp tốc triển khai công việc GPMB phục vụ cho dự án Cảng hàng không này. Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái trước đây đã có nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất hướng tuyến nay được điều chỉnh kịp thời để con đường cao tốc này đi qua KKT Vân Đồn kết nối với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, tạo trục giao thông xuyên suốt các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc.
Đối tác công – tư cho khu kinh tế đặc biệt
Việc Vân Đồn được Chính phủ quy hoạch là đặc khu kinh tế đang khiến nơi đây đón một làn sóng đầu tư vô cùng lớn, hầu hết các tập đoàn kinh tế mạnh đều đã xuất hiện tại Quảng Ninh với những dự án khủng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. |
Tính từ khi được thành lập đến nay KKT Vân Đồn đã có được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn về kết cấu hạ tầng. Về hạ tầng giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả nhiều dự án như: Đường 334 (giai đoạn 1, 2), đường Xuyên Hùng (xã Đài Xuyên), đường trung tâm xã Đoàn Kết, đường Bò Lạy - Tràng Hương, đường trung tâm xã Bình Dân, đường Khe Ngái (xã Đoàn Kết); cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong KKT. Hiện đang tiếp tục thi công các dự án: Đường 334 (giai đoạn 3), đường từ xã Vạn Yên đến khu công viên phức hợp phía Đông đảo Cái Bầu, đường xuyên đảo Minh Châu - Quan Lạn, đường giao thông trục chính kết nối các khu chức năng KKT... Về hệ thống điện, viễn thông toàn bộ các xã đảo thuộc địa bàn KKT đều đã được sử dụng điện lưới quốc gia, 12/12 xã đều có bưu điện văn hoá xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn KKT. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển thì hiện trạng hệ thống cơ sở hạ tầng của KKT vẫn quá thấp kém. Nếu trông chờ vào ngân sách đầu tư thì không biết đến bao giờ Vân Đồn mới có được hệ thống cơ sở hạ tầng xứng với trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, một trong 3 đột phá của đất nước.
Lời giải cho nguồn lực cũng như quản lý thế nào đáp ứng mô hình phát triển mới được tỉnh Quảng Ninh xác định rất rõ đó là phải áp dụng mô hình đối tác công - tư cho KKT Vân Đồn, công - tư không chỉ trong kêu gọi các dự án đầu tư mà phải cả trong quản lý, vận hành một cách tổng thể theo hình thức lãnh đạo công - quản trị tư. Và những tập đoàn mạnh như Sungroup chính là lựa chọn đầu tiên cho áp dụng thí điểm hình thức này trong quản lý đầu tư một số hạ tầng quan trọng như sân bay, khu du lịch phức hợp có casino, đầu tư hệ thống cung cấp nước, xử lý nước thải cho toàn bộ các dự án trong KKT…
Đại diện Sungroup cho biết: Việc Vân Đồn được Chính phủ quy hoạch là đặc khu kinh tế đang khiến nơi đây đón một làn sóng đầu tư vô cùng lớn, hầu hết các tập đoàn kinh tế mạnh đều đã xuất hiện tại Quảng Ninh với những dự án khủng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong tương lai gần, khi đặc khu kinh tế Vân Đồn hình thành, sân bay được đưa vào khai thác, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của rất nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, Sungroup rất quyết tâm triển khai các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh nói chung và KKT Vân Đồn nói riêng. Bằng kinh nghiệm đã thực hiện thành công các dự án tại Đà Nẵng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và tham gia quản lý hiệu quả các dự án tại Quảng Ninh theo mô hình đối tác công - tư.
Quyết định 2428 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và KKT Vân Đồn đã xác định rõ những ưu đãi về ưu tiên huy động vốn ODA, hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ… để đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng trong KKT. Vận hội đã tới, những ưu đãi đặc thù, những nhà đầu tư chiến lược, sự quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh chắc chắn Vân Đồn sẽ tận dụng tốt cơ hội.
Ngọc Lan
Ý kiến ()