Kéo lại khẩu trang, ông Nguyễn Hùng, 77 tuổi, chậm rãi bước ra sân khu thu dung F0 nhẹ tại trường THCS thị trấn Củ Chi - nơi có hàng chục người đang tập dưỡng sinh, thiền, đá cầu...
5h, trời chưa sáng rõ, khoảnh sân chừng 150 m2 nằm gọn giữa bốn dãy nhà xếp hình chữ nhật rộn tiếng nhạc, như một công viên thu nhỏ. Ban công các tầng lầu mỗi lúc lại đông người thức dậy. Họ giữ khoảng cách, trò chuyện râm ran, lần lượt xuống sân tập thể dục.
Ông Hùng hít thật sâu khí trời, tập thở theo cách mà bác sĩ đã hướng dẫn mọi người. Ông là một trong số hơn 300 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây.
Ông một mình nhập viện hôm 10/8 với các triệu chứng ho, đau họng, sốt - thuộc nhóm nguy cơ cao trở nặng vì đã lớn tuổi và có bệnh nền tăng huyết áp. Các bác sĩ định chuyển ông lên tuyến trên, đề phòng tình huống nguy cấp nhưng ông xin ở lại vì mọi người ở đây cảm thấy thoải mái như ở nhà.
Hàng ngày, cụ ông duy trì uống thuốc ổn định huyết áp và trị triệu chứng Covid-19, kết hợp tập thể dục, tập thở. Dù kết quả xét nghiệm lần hai vẫn dương tính, song bệnh nhân đã hết ho, sốt, đau họng; sức khoẻ ổn định, nguy cơ trở nặng thấp. Dự kiến sau hai lần xét nghiệm âm tính liên tục hoặc còn dương tính nhưng giá trị CT ≥ 30, ông sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Trương Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Củ Chi, cho biết khu thu dung này được thành lập hơn một tháng trước, trưng dụng cơ sở vật chất của trường học. Lúc đầu, đây chỉ trạm tiếp nhận, phân loại F0 tại địa phương theo mức độ nguy cơ rồi chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 trong mô hình "tháp 5 tầng" của TP HCM. Tuy nhiên, do các bệnh viện tuyến trên quá tải, không thể tiếp nhận hết F0 nên khu thu dung đã chuyển đổi công năng, trở thành bệnh viện dã chiến tuyến huyện (tương đương tầng 1) điều trị người bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Từ nhiều nguồn, các bác sĩ đã huy động trang thiết bị, thuốc điều trị, cấp cứu, bình oxy, máy tạo oxy... để cấp cứu kịp thời những bệnh nhân trở nặng, hạn chế việc chuyển tuyến.
Quá trình hoạt động, nhận thấy người bệnh có tinh thần thoải mái, suy nghĩ lạc quan sẽ rất tốt cho sức khoẻ, nhanh hồi phục và khả năng diễn tiến nặng sẽ ít đi, các bác sĩ khuyến khích họ dậy sớm xuống sân tập thể dục hai buổi sáng và chiều. F0 cũng được hướng dẫn tự chăm sóc bản thân, khử khuẩn, dọn phòng, đi đổ rác... thay vì chỉ ở trong phòng. Riêng người có nguy cơ cao diễn tiến nặng sẽ có người nhà đi cùng chăm sóc và được ưu tiên cách ly tại tầng trệt, gần phòng cấp cứu.
Do khu thu dung chỉ có 2 bác sĩ và một điều dưỡng chăm sóc cho hơn 300 bệnh nhân nên công tác tổ chức cũng phải thay đổi. Nhân viên y tế sẽ nhờ những F0 không triệu chứng trẻ tuổi, khoẻ mạnh theo dõi sức khoẻ người lớn tuổi, có bệnh nền ở chung phòng. Nếu có dấu hiệu trở nặng, họ sẽ lập tức báo bác sĩ xử trí. Nhờ vậy mà các F0 luôn thấy mình được chăm sóc, còn các bác sĩ có thời gian để thăm khám sức khoẻ cho toàn bộ người bệnh 2 lần mỗi ngày.
Là bác sĩ tình nguyện và nhận nhiệm vụ tại đây hơn 3 tuần trước, anh Trần Văn Thành (Tổ trưởng tổ bác sĩ) cho biết, hiện gần như tất cả bệnh nhân không còn bất an, lo lắng và hợp tác điều trị rất tốt. "Chúng tôi cố gắng vận hành khu thu dung như một khu điều dưỡng, tạo mọi điều kiện sinh hoạt, điều trị thoải mái nhất cho người bệnh", anh Thành nói.
Đây được xem là lý do tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng rất thấp, khoảng 9-15 ca (3-5%) mỗi ngày; 3-9 ca trở nặng (1-3%); phải chuyển viện 1-3 ca (1%); còn xuất viện là 20-30 bệnh nhân. Đến nay, khu thu dung tại trường THCS thị trấn Củ Chi có tổng cộng hơn 1.000 F0 xuất viện. Số giường trống nhanh chóng được lấp đầy, điều trị cho các F0 ngoài cộng đồng đang tăng rất nhanh.
Theo bác sĩ Thành, nếu mô hình "khu điều dưỡng" này được nhân rộng chắc chắn sẽ giảm tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, tử vong. Tuy nhiên, việc này cần nguồn kinh phí lớn để chuẩn bị hệ thống trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất ngay từ đầu; cần thêm nhân sự y tế vốn dĩ đã quá tải. Ngoài ra, để vận hành tốt cần có một đầu mối trung gian thu thập thông tin, tổ chức các vấn đề phát sinh như điều phối chuyển F0 nặng, bệnh nhân mới, cập nhật số giường trống...
Cùng quan điểm, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Nguyễn Minh Tiến (phụ trách Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 huyện Bình Chánh, quy mô hơn 4.000 giường) cho biết, hiện chưa có thống kê về việc bệnh nhân tinh thần thoải mái giúp giảm tỷ lệ trở nặng, song có rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi thần kinh ổn định F0 sẽ tập trung năng lượng điều khiển được hệ miễn dịch tiêu diệt, đào thải virus nhanh chóng và hiệu quả hơn. Do đó, nếu mô hình "khu điều dưỡng F0" được nhân rộng sẽ có nhiều người bệnh được đưa vào chăm sóc tốt hơn, thay vì ở nhà như bây giờ.
"Việc người bệnh phải cách ly một mình trong phòng suốt thời gian dài cũng có thể khiến khủng hoảng tâm lý, trầm cảm. Còn khi được sinh hoạt, giao tiếp với người khác tại cơ sở cách ly tập trung (vẫn giữ khoảng cách 2 m), họ sẽ được cân bằng tâm lý, yên tâm điều trị và cải thiện sức khoẻ", ông lý giải.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, điều kiện tất yếu để triển khai mô hình này hiệu quả là cần nơi rộng, thoáng đãng, nhiều cây xanh (như trường học, doanh trại quân đội)... ở vùng ngoại ô. Còn các quận nội thành Sài Gòn sẽ khó áp dụng vì không gian vốn chật hẹp, nhiều nhà cao tầng, thông khí kém, thiếu bóng mát, thiếu ánh nắng từ nhiều phía.
Hay như Bệnh viện dã chiến số 4 chỉ có thể áp dụng linh hoạt. Bởi cơ sở dù nằm ở ngoại ô nhưng vốn được trưng dụng từ chung cư tái định cư với hành lang và sân nhỏ, thông khí không tốt... nên không thể để người bệnh xuống tập thể dục. Thay vào đó, các bác sĩ nói mọi người luôn mở cửa, ban công để phòng thông thoáng, đón khí trời. Bệnh viện cũng thường xuyên mời các đoàn biểu diễn văn nghệ từ thiện đến hát, cổ vũ tinh thần F0.
Mô hình "khu điều dưỡng F0" cũng được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập tại buổi làm việc với Tây Ninh về công tác phòng chống Covid-19 hồi tuần trước.
Ông lưu ý tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng tại tỉnh này đang "quá cao" - 36% trong tổng số hơn 3.000 ca, tương đương một số quận huyện của TP HCM (30%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Khánh Hoà chỉ khoảng 10%; trung bình các tỉnh thành khác là 20%; Đồng Nai và Bình Dương (điểm "nóng" của dịch chỉ sau Sài Gòn) là 30%.
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị Tây Ninh phải tổ chức lại khu thu dung tầng một (nơi tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng trong mô hình tháp 3 tầng) để giảm tỷ lệ này xuống. Mô hình mà tỉnh có thể tham khảo là khu thu dung ở huyện Củ Chi, TP HCM hay như ở Long An (dưới 5%).
Ý kiến ()