Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:30 (GMT +7)
Không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Thứ 5, 03/06/2021 | 07:36:21 [GMT +7] A A
Tiêm vaccine mang tính dài hơi, trước mắt phải nhanh chóng khoanh vùng dập dịch để sớm khôi phục sản xuất, phải quan tâm điều trị bệnh thật tốt; chống lây lan trong các khu cách ly, hỗ trợ đời sống công nhân, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đối với phòng chống dịch bệnh, Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và đời sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bắc Ninh. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Chiều nay (2/6), ngay sau khi kiểm tra tình hình thực tế về chống dịch và bảo đảm sản xuất tại một khu công nghiệp (KCN), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bắc Ninh.
Cùng với Bắc Giang, Bắc Ninh, địa phương có nhiều khu công nghiệp, đã trở thành “điểm nóng” về dịch COVID-19 với số ca nhiễm ở mức cao. Được sự phân công của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 2 địa phương này.
Dịch bệnh trong tầm kiểm soát
Mở đầu buổi làm việc với Bắc Ninh, tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với dân số hơn 1,4 triệu người, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bắc Ninh trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất. Đến nay, đã đạt kết quả bước đầu rất tốt. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh báo cáo tình hình phòng chống dịch và khôi phục sản xuất, có vướng mắc, khó khăn gì để nhanh chóng dập dịch, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. “Khi một ca dương tính xuất hiện, chậm 1 nhịp là thành ổ dịch”, Phó Thủ tướng nói.
Chống dịch là chạy đua với thời gian giữa bộ máy, con người với dịch bệnh. Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh báo cáo tình hình tiêm vaccine cho công nhân. Đây là công việc dài hơi, cần làm càng nhanh càng tốt, bên cạnh việc khoanh vùng, truy vết, đẩy lùi dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Đối với phòng chống dịch bệnh, Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và đời sống của nhân dân. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Đến chiều nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 934 ca mắc COVID-19, với 152 ổ dịch, trong đó có 239 trường hợp tại 59 doanh nghiệp. Số ca mắc mới tăng là do tỉnh chủ động lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại các điểm có nguy cơ cao, lây nhiễm từ các ổ dịch và F1 đã được cách ly. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, là tỉnh có nhiều người ngoại tỉnh và công nhân, người lao động làm trong và ngoài KCN, mật độ dân số đông (lao động ngoại tỉnh chiếm 75%); việc quản lý, theo dõi chính xác thông tin sức khoẻ đối tượng này gặp nhiều khó khăn; phần lớn các doanh nghiệp không có ký túc xá (KTX) cho công nhân; người lao động phải tự thuê nhà trọ tại các địa phương lân cận với KCN; nhiều người lao động nhập cư có tâm lý sợ mất việc làm, sợ không có lương nếu phải cách ly nên khai báo y tế không trung thực. Dịch diễn biến rất nhanh nên gặp khó khăn khi thực hiện mua sắm khẩn cấp các trang thiết bị, vật tư hoá chất, sinh phẩm.
Tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các chủ đầu tư các KCN tăng cường xây dựng các khu KTX tập trung cho công nhân; bổ sung 500.000 test nhanh kháng nguyên để bảo đảm công tác xét nghiệm; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch như miễn, giảm, giãn nộp thuế… và có chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng chịu thiệt hại, khó khăn do dịch…
Tỉnh Bắc Ninh đề nghị ngân sách Trung ương tạm cấp hỗ trợ cho tỉnh 500 tỷ đồng để kịp thời chi cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (thứ 2 bên phải) nghe lãnh đạo Công ty Goertek báo cáo về mô hình "vừa sản xuất, vừa chống dịch" - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, tỉnh đã tiêm 35.740 liều vaccine và đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho công nhân lao động trong các KCN. Theo phân bổ của Bộ Y tế đợt này là 150.000 liều, trong đó, phân cho tuyến đầu 60.000 liều, phân cho công nhân 90.000 liều. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, tỉnh sẽ phấn đấu tiêm xong số vaccine này trong 10 ngày.
Với các trang thiết bị vật tư hiện có, tỉnh đáp ứng được tình huống có 1.000 người nhiễm COVID-19. Hiện đang xây dựng phương án với số ca nhiễm cao hơn là 3.000 người nhiễm.
Hiện tỉnh đã chuẩn bị các khu cách ly đến 20.000 người, triển khai tới cấp xã, để khi có ổ dịch trong cộng đồng thì khoanh vùng, cách ly nhanh chóng. Qua theo dõi tình hình, hiện chưa có dấu hiệu lây nhiễm chéo trong khu cách ly, bà Đào Hồng Lan nói.
Thứ tưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh phòng chống dịch COVID-19 cho rằng, hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở tỉnh vẫn còn cao. Bộ đã đưa ra khuyến cáo về việc phòng chống dịch cho các doanh nghiệp. Theo đó, từ hôm nay (2/6), hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy, vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như trong cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều nhân lực hỗ trợ Bắc Ninh tiêm vaccine. Tới đây, có lô vaccine về, Bộ cũng sẽ ưu tiên cho Bắc Ninh, Bắc Giang. Thời gian tới, ông Đỗ Xuân Tuyên khuyến nghị, tỉnh phải chặt được cả 3 mắt xích: Lây nhiễm dịch trong cộng đồng, trong doanh nghiệp và giữa cộng đồng với doanh nghiệp.
Không thiếu tiền cho chống dịch
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên với quyết tâm cao sớm dập dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, không thiếu tiền cho chống dịch, “đã nói tới chống dịch là không thiếu, thiếu gì thì các đồng chí cụ thể hóa ra để chúng ta giải quyết cho bằng được. Vì chúng ta thiếu 1 vật tư, 1 trang thiết bị thì sẽ gây thiệt hại rất lớn khi dịch xâm nhập vào, ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân”. “Chính phủ luôn đồng hành cùng các đồng chí”, không để Bắc Ninh ở ngoài cuộc. Các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Bắc Ninh được giải quyết kịp thời bằng mọi cách để đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Qua báo cáo, các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng đánh giá cao tính chủ động của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có chủ động chuẩn bị nguồn lực, vật tư trang thiết bị, lực lượng chuyên trách phòng chống dịch. Hiện nay, Bắc Ninh từng bước đã kiểm soát được tình hình và trong quá trình thực hiện, có nhiều cách làm sáng tạo, vừa bảo đảm khống chế dịch, vừa bảo đảm sản xuất.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm còn rất lớn. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao độ trong giai đoạn tới khi mà “1 ca cũng có thể trở thành 1 ổ dịch lớn”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu hiện nay đối với Bắc Ninh là tập trung chống dịch, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm khu căng-tin của công nhân - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng về thần tốc hơn, quyết liệt hơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói rõ thêm, trước tiên là thần tốc trong truy vết, khoanh vùng, cách ly, “chậm 1 nhịp, để 1 ca F0 phát hiện chậm 1-2 ngày thì có thể tạo ra lây nhiễm nhiều người”. Tổ chức cách ly không cẩn thận thì có thể lây nhiễm dịch bệnh ngay trong khu vực đó. Các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là theo dõi, giám sát qua hệ thống camera được lắp đặt tại khu cách ly.
Bên cạnh đó, khoanh vùng phải thật chính xác, khoanh rộng quá cũng không được, khoanh hẹp quá cũng nguy hiểm. Việc lấy mẫu, xét nghiệm phải thật nhanh, bởi chậm 1 ngày là có thể thêm 1 vài ca.
Bắc Ninh rà soát lại toàn bộ vật tư, trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ, cơ chế, chính sách… để bố trí phù hợp. “Thời tiết này, mặc quần áo bảo hộ thì rất vất vả, đừng bắt anh em làm liên tục mười mấy tiếng”, Phó Thủ tướng nói. Vật tư y tế phải có cơ số dự phòng.
Tiêm phòng vaccine là nhiệm vụ quan trọng, mang tính dài hơn để tiến tới miễn dịch cộng đồng, không thể 1 tháng, 1 quý là tiêm hết được cho toàn dân. Còn nhiệm vụ hàng đầu là đẩy lùi dịch bệnh, làm sao không còn ca F0 trên địa bàn thì mới duy trì sản xuất được. Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và không để tâm lý lơ là, chủ quan vì thấy có vaccine rồi mà không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Bắc Ninh, Phó Thủ tướng khẳng định: đối với phòng chống dịch bệnh, Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và đời sống của nhân dân.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()