Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:24 (GMT +7)
Không thể chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 2, 23/08/2021 | 14:03:49 [GMT +7] A A
Quá sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, Thủ tướng Chính phủ vừa ra công điện yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cương quyết điều chuyển vốn nếu chậm giải ngân.
Đã chậm, lại càng chậm hơn
Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án trọng điểm, cần đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhiều năm qua luôn trong tình trạng chậm trễ. Thậm chí, dự án này vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân, phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau.
Đã gặp khó do quy mô giải phóng mặt bằng lớn, nay lại thêm Covid-19, khiến Dự án đã chậm, lại càng chậm hơn. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2021, tiến độ giải ngân của Dự án mới đạt 17,93% kế hoạch năm 2021, một tỷ lệ khá thấp.
Trong khi đó, nhiều dự án quy mô lớn khác cũng trong tình trạng tương tự, như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây…
Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều dự án thi công chậm so với kế hoạch. Có dự án nằm trong khu vực phong tỏa, nên phải tạm dừng thi công; có dự án chỉ thi công cầm chừng do thiếu nhân công, vật tư, thiết bị…
Đây là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng chậm. Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trong 7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 169.300 tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài chỉ đạt 7,52%. Tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn so với mức giải ngân 40,67% của cùng kỳ năm trước.
“Nguyên nhân chủ yếu là do công tác thi công, hoạt động giao dịch, thanh quyết toán giữa các cơ quan, giữa địa phương với Trung ương bị gián đoạn, hạn chế đi lại, công nhân nghỉ việc tạm thời để phòng dịch”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm trễ không chỉ vì Covid-19, mà còn do các nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế…
Cũng bởi các yếu tố chủ quan đó, đã dẫn tới tình trạng là cùng một thể chế, chính sách, nhưng nơi giải ngân tốt, nơi rất chậm chạp. Trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động trong giải ngân vốn đầu tư công, nên đạt kết quả cao, như Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Nam Định (58,01%)..., thì vẫn nhiều nơi có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Có thể “điểm mặt” một số bộ, ngành, địa phương, như Đại học Quốc gia TP.HCM (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Bắc Kạn (8,37%), Cao Bằng (15,84%)…
Quá sốt ruột trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công đang tiếp tục được coi là “cứu cánh” của nền kinh tế, trong bối cảnh chi tiêu của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân vẫn trong xu hướng suy giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nói rằng, việc Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc khơi thông nguồn vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả cũng như tiến độ giải ngân là quyết định rất đúng đắn.
Thực tế, trong một tính toán được đưa ra cách đây chưa lâu, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ cần giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1%, thì tăng trưởng GDP thêm được 0,06 điểm phần trăm. Năm ngoái, nhờ giải ngân vốn đầu tư công cao mà kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,91%.
Năm nay, mục tiêu đã được “quyết” là phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch. Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn, bởi 7 tháng, tỷ lệ giải ngân mới đạt 36,7% kế hoạch. Thêm nữa, nhiều khả năng trong những tháng tới, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục gặp khó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm, bởi đó là “mệnh lệnh” của nền kinh tế. Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh Covid-19.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.
Ngoài việc khẩn trương giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 cho các dự án khởi công mới ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương mà đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao từ đầu năm để cương quyết điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ.
Năm ngoái, các biện pháp này cũng đã được quyết liệt thực hiện, nhờ vậy, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt kết quả tích cực.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, có giải pháp khắc phục cụ thể, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới. Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo quy định để bảo đảm triển khai ngay sau khi hết giãn cách xã hội.
Theo baodautu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()