Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:44 (GMT +7)
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Không phải mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe nếu đã được tích hợp vào thẻ căn cước
Thứ 6, 10/11/2023 | 14:55:17 [GMT +7] A A
Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đối với giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Bỏ quy định phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe
Sáng 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, mục tiêu xây dựng, ban hành Luật là nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV), Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân.
Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (Chương VII), tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, phương tiện của nước ngoài.
Cụ thể, đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện của các cơ quan ngoại giao có trụ sở tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ công tác phối hợp trong giải quyết tai nạn giao thông, cập nhật dữ liệu về tai nạn giao thông để bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết tai nạn giao thông có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, kết quả điều tra, giải quyết cho cơ quan Cảnh sát giao thông có thẩm quyền để phục vụ thống kê, tổng hợp về tai nạn giao thông.
Kết quả thống kê, tổng hợp về tai nạn giao thông phục vụ nghiên cứu, đề ra các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông.
Đề xuất cấm hành vi “cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông”
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV), nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch và giá trị pháp lý, tương thích với Công ước viên 1968 và thống nhất với việc phân loại xe cơ giới.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vì cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước hiện nay đang thực hiện.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.
Liên quan thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ (Điều 56), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải (không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ) vì sẽ làm tăng chi phí logistic, chi phí lao động của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các thị trường khác.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, Chương IV dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và nội luật hóa Công ước Viên 1968; nhiều nội dung đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2023. Ủy ban cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()