Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:23 (GMT +7)
"Không nên nghĩ hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học là điều gì to tát"
Thứ 3, 20/10/2020 | 09:46:44 [GMT +7] A A
Đây là ý kiến của TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp khi cho rằng, đã có trường tư thục mạnh dạn dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé mầm non.
Liên quan đến việc sắp tới sẽ định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đưa ra quan điểm, giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp qua các bài học trên lớp và qua học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội trong đó có hoạt động nghề nghiệp của con người.
Theo ông Vinh, trong giờ học, giáo viên có thể hướng các em kể về nghề nghiệp của bố mẹ, những người xung quanh dần dần hướng trẻ biết tôn trọng sức lao động của bố mẹ dù làm nghề nào cũng đều được coi trọng trong xã hội.
Muốn làm được việc này, đòi hỏi giáo viên cũng phải có chút hiểu biết về một số nghề trong xã hội và có các ví dụ liên hệ thực tế sao cho đơn giản và dễ hiểu với trẻ đồng thời từ thực tế tác động ngược trở lại trẻ yêu thích các môn học khác.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao", chia sẻ trên tờ Giáo dục và Thời đại, ông Vinh cho hay.
Theo ông Vinh, không chỉ tiểu học mà ngay bậc mẫu giáo cũng đã có những trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé. Đơn giản chỉ là tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế như làm đầu bếp, làm bác sĩ... để học sinh tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp thực hiện chưa chuẩn. Giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tế về các ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ sở trang bị vật chất không đủ, việc giáo dục hướng nghiệp không gắn với đào tạo kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động. Điều đó dẫn đến động lực học tập thấp và đa số đều muốn học xong THPT để được vào Đại học.
Ông Vinh chia sẻ, ngay cả nước Australia và châu Âu cũng đã thấy tác động không mong muốn của hướng nghiệp phân luồng sớm mà không gắn tiêu chuẩn kỹ năng của các ngành kinh tế. Vì thế, ở giáo dục THPT không nên gọi là giáo dục hướng nghiệp nữa mà có chương trình đào tạo kỹ năng nghề để mở ra nhiều cơ hội cho học sinh hoặc vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc ra thị trường lao động hoặc tiếp tục học lên cao.
Với các nước châu Âu, gần đây do những lo ngại về sự phân tầng giai cấp, sự bất bình đẳng các cơ hội học tập giữa các nhóm học sinh khác nhau khi hướng nghiệp phân luồng sớm trước THCS. Ngoài ra, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực học vấn vững chắc để có thể phát triển các kỹ năng mới do cuộc cách mạng này mang lại.
"Do đó, tôi thấy từ tiểu học cho đến THCS rất cần giáo dục hướng nghiệp nhưng là tổ chức dạy tích hợp lồng ghép với các môn học khác. Còn sau THCS thì nên có các chương trình nghề dạy luôn các kỹ năng nghề tiêu chuẩn trường hợp các em có bỏ học giữa chừng cũng có thể có kỹ năng để kiếm việc làm hoặc tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học liên thông lên Đại học"- ông Vinh nhấn mạnh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()