Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:32 (GMT +7)
'Không nên chê bai phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành là hàng chợ'
Thứ 5, 02/03/2023 | 17:42:55 [GMT +7] A A
Tại tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh TS. Ngô Phương Lan chia sẻ quan điểm về những phim thương mại ăn khách, tiêu biểu là "Bố già" và "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành.
Tọa đàm khoa học Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua diễn ra chiều 1/3 nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ. Các tham luận tập trung làm rõ sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943).
Bàn về dòng chảy điện ảnh hiện đại, TS. Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Điện ảnh - cho biết giới chuyên môn ít nhiều thiếu coi trọng với những tác phẩm ăn khách. Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan nhắc đến hai phim ăn khách của Trấn Thành là Bố già và Nhà bà Nữ. Đặc biệt, Nhà bà Nữ nổi trội hơn tất cả khi đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng.
"Phim mang hơi thở cuộc sống của tầng lớp bình dân nhưng trở thành hình tượng màn ảnh. Nhà bà Nữ thể hiện triết lý, những điều đáng suy ngẫm về gia đình, về mối quan hệ giữa con người... Trong sự phát triển của văn học nghệ thuật, cần nhiều xu hướng sáng tác đảm bảo tính dân tộc, khoa học. Tính đại chúng cũng rất quan trọng", TS. Ngô Phương Lan nhận định. Quan điểm này tạo sự chuyển hướng trong việc Nhà nước đặt hàng các phim chính trị.
Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng những tác phẩm điện ảnh có hiệu ứng xã hội lớn như Nhà bà Nữ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thay vì xem nhẹ, coi thường, thậm chí chê bai là hàng chợ.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhận định dòng phim giải trí, thương mại ở Việt Nam có một số tác phẩm ấn tượng, mang về doanh thu cả trăm tỷ đồng. Ngoài ra, phim hoạt hình cũng là địa hạt tiềm năng có thể khai thác.
"Thời kỳ điện ảnh cách mạng, có những năm Nhà nước làm 20 phim, gặt hái nhiều thành công. Bây giờ chúng ta chỉ sản xuất hai, ba phim mỗi năm, đều không tạo hiệu ứng. Hiện nay, chỉ có dòng phim giải trí, thương mại có thể lôi kéo công chúng đến rạp", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu.
TS. Ngô Phương Lan nhắc đến thành công của điện ảnh Iran, qua đó đưa ra một số kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. "Trong vài chục năm, điện ảnh Iran có tới 4.000 giải thưởng quốc tế. Họ thừa hưởng nền văn minh Ba Tư với tư duy hình ảnh mạnh. Trong khi đó, cách kể chuyện của nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang tính đơn biến. Nếu đóng khung một cách nghĩ, cách tư duy sẽ khó phát huy các thế mạnh của điện ảnh", TS. Ngô Phương Lan nêu.
Tại tọa đàm, một số đại biểu cũng cho rằng văn học nghệ thuật nước nhà hiện nay chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Vì vậy, công tác đào tạo cán bộ văn hóa, khơi thông sức sáng tạo cho những người làm nghệ thuật là nhiệm vụ cần chú trọng hơn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()