Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:41 (GMT +7)
Không để xảy ra biến động hàng hóa tiêu dùng
Thứ 2, 30/09/2024 | 15:35:08 [GMT +7] A A
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong đó, ngành Nông nghiệp cũng chịu nhiều tổn thất từ trồng trọt đến chăn nuôi, thuỷ sản…, khiến nguồn cung hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm sau bão bị ảnh hưởng. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng liên quan, công tác quản lý thị trường đã cơ bản được đảm bảo, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão.
Ngay sau bão, trước nguy cơ hàng hoá tiêu dùng bị đẩy giá lên cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 95/CĐ-TTg về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bằng mọi biện pháp tiêu úng, chống ngập nhanh nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; kịp thời cứu diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh… còn đang bị ngập úng; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cụ thể bảo vệ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thực tế; chủ trì rà soát, tổng hợp nhu cầu, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xuất cấp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các loại vật tư, sinh phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất ngay sau bão, lũ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai các biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… thực hiện cam kết bình ổn giá hàng hóa. Song song với đó, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn có phương án cung cấp hàng hóa, tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn.
Với Quảng Ninh, bão số 3 đã gây những thiệt hại nặng nề. Trong đó với ngành Thuỷ sản có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hải sản bị mất, cuốn trôi; với ngành Nông nghiệp, diện tích trồng trọt toàn tỉnh bị thiệt hại nặng sau bão đến nay có hơn 7.000 ha, trong đó diện tích có nguy cơ mất trắng trên 6.600 ha; thiệt hại đối với chăn nuôi toàn tỉnh là trên 388.000 gia súc, gia cầm bị chết, trong đó nhiều nhất lần lượt là TX Đông Triều, TX Quảng Yên, TP Hạ Long, TP Uông Bí và huyện Tiên Yên.
Trước những thiệt hại to lớn đối với ngành Nông nghiệp, nguy cơ các tiểu thương lợi dụng để tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng cao, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu ngành Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, giữ ổn định thị trường. Trong đó, các đội quản lý thị trường trên toàn tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật, không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; hàng hoá kinh doanh phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nhãn hàng hoá... theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ tăng cường quản lý thị trường, nên sau bão cơ bản hàng hoá, lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu vẫn đảm bảo đủ nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân với giá cả được kiểm soát, chỉ có một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế như: Rau xanh tăng từ 20- 25%; máy phát điện, đèn và quạt tích điện tăng từ 15-20%.
Để thị trường giá cả tiếp tục được đảm bảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện ngành Công Thương và Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tích cực chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết thị trường. Đồng thời phối hợp điều hành giá, kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá, xử lý nghiêm những vi phạm.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()