Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:47 (GMT +7)
Mạnh tay xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19
Thứ 5, 16/09/2021 | 19:23:47 [GMT +7] A A
Trong khi cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh đang đồng lòng chống dịch thì có không ít đối tượng đã tạo tin giả, đăng tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo sợ. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Mới đây nhất, ngày 14/9, tài khoản facebook Nguyễn Đức Kim Long đã đăng tải, chia sẻ video clip có hình ảnh một người được đưa vào phòng cấp cứu và ghi thông tin mô tả là: “Tiêm vaccin Sinopharm tại Trường tiểu học Lê Lợi TP Uông Bí”. Chỉ sau đó ít phút, nhiều tài khoản khác trên facebook cũng đã chia sẻ lại clip này, khiến cho nhiều người dân Uông Bí hoang mang, lo lắng.
Nhanh chóng vào cuộc xác minh, lực lượng chức năng TP Uông Bí khẳng định đây là thông tin sai sự thật, bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận. Bởi trong đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, Trường Tiểu học Lê Lợi không được trưng dụng làm điểm tiêm chủng cho người dân và trong 2 ngày tổ chức đợt cao điểm tiêm chủng với hơn 41.800 mũi vắc xin đều đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu thông tin trên clip được biết đây là hình ảnh được người dân ghi lại tại xã Lê Lợi (TP Hạ Long). Trong quá trình sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, anh P.V.C (sinh năm 1974, xã Lê Lợi) có tiền sử bệnh động kinh nên đã bị co giật. Trước tình huống đó, các lực lượng chức năng đã ngay lập tức đưa anh P.V.C đến phòng y tế của xã để tiến hành sơ cứu. Sau khi phục hồi, anh P.V.C đã được gia đình đưa về nhà an toàn.
Về phía tài khoản facebook Nguyễn Đức Kim Long, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) tỉnh cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, xác minh phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Kim Long có địa chỉ tại Đắc Lắk. Hiện Sở TTTT đã có văn bản gửi Sở TTTT tỉnh Đắc Lắk phối hợp để xử lý vi phạm với đối với Nguyễn Đức Kim Long theo đúng quy định của pháp luật.
Điều đáng nói là không chỉ có clip này mà trước đó, đã có không ít những tài khoản trên mạng xã hội có những bài viết, thông tin thiếu căn cứ về hiệu quả của các loại vắc xin, tùy tiện công kích nguồn gốc một số loại vắc xin nhằm hình thành tâm lý so đo, kén chọn trong cộng đồng. Trong khi dịch bệnh ở các địa phương khác chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì việc tỉnh tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn ngân sách lớn để mua vắc xin tiêm miễn phí cho toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng là việc làm hết sức có ý nghĩa, quyết định đến sự an toàn cho cả cộng đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Chánh thanh tra Sở TTTT cho biết: Từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 đến nay, vấn nạn tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên không gian mạng là vấn đề rất phức tạp. Thanh tra Sở đã làm việc với các chủ tài khoản để xử lý gần 80 trường hợp đăng tin sai sự thật, không có kiểm chứng, yêu cầu chủ tài khoản gỡ bỏ thông tin, đăng tin đính chính, xin lỗi, cam kết không tái phạm. Số tiền xử phạt các vi phạm đến nay là trên 200 triệu đồng. Đối với các chủ tài khoản ở tỉnh ngoài, Sở cũng đã phối hợp với Sở TTTT và Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an các tỉnh để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Ở làn sóng dịch thứ 4, Quảng Ninh đã qua 80 ngày không có ca mắc mới xuất hiện trong cộng đồng. Điều này cho thấy các biện pháp chống dịch của tỉnh là hoàn toàn phù hợp và hiệu quả với các diễn biến của dịch, đảm bảo đời sống cho người dân và phát triển KT-XH. Tuy nhiên, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, bởi vậy bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để xử lý vấn nạn tin giả cũng rất cần sự hợp tác, vào cuộc của toàn xã hội. Qua đó, từng bước tạo "miễn dịch cộng đồng" trước làn sóng tin giả đang lây lan nhanh. Ngoài 5K theo quy định của Bộ Y tế, mỗi người dân hãy thực hiện tốt “5K” trong phòng chống tin giả (không tin ngay; không vội bấm thích; không thêm thắt; không kích động; không vội chia sẻ). Cùng với đó người dân nên tìm hiểu nắm chắc các quy định Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TTTT ban hành tháng 6/2021 để tránh bị xử phạt. Chỉ khi có sự hợp tác, phát huy ý thức của mỗi cá nhân mới tạo ra sức đề kháng của cả cộng đồng để chống lại mọi loại virus nguy hiểm, trong đó có “virus tin giả”.
Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. |
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()