Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:03 (GMT +7)
Không để lỡ đà tăng trưởng xuất khẩu
Thứ 2, 18/07/2022 | 10:30:00 [GMT +7] A A
Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số quốc gia cũng như từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Thời gian tới, xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục khởi sắc bởi nhiều yếu tố thuận lợi, tuy nhiên cũng còn hàng loạt khó khăn hiện hữu đang kìm hãm đà tăng của xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sáu tháng ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ năm 2021. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7%; tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 26,3 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Xuất khẩu sáu tháng chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với kim ngạch đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20% so cùng kỳ, trong khi kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 16,3% (đạt 136,68 tỷ USD). Tuy nhiên, tỷ trọng của khối nội trong xuất khẩu lại đang có sự giảm sút nhẹ, chỉ còn chiếm 26,5% tổng kim ngạch (hết năm 2021 chiếm 27,1%). Mặt khác, phần lớn các mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu như điện thoại và linh kiện hay máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,… đều thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước với kim ngạch ước tính đạt 159 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ và chiếm 85,7% tổng kim ngạch. Kết quả này có được nhờ kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều đạt mức tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 28,58 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch, tăng 14%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD, tăng 24,3%; giày dép các loại đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như phân bón các loại tăng 187% do giá cũng như nhu cầu tăng đột biến; hóa chất tăng 59%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52%; sản phẩm từ sắt thép tăng 27%; đá quý và kim loại quý tăng 52%;…
Một điểm sáng khác của xuất khẩu là nhóm nông, lâm, thủy sản có kim ngạch ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so cùng kỳ và chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, riêng mặt hàng thủy sản đạt mức tăng trưởng bứt phá 39,6% nhờ vào nhu cầu cao của thị trường thế giới.
Bộ Công thương nhận định, hoạt động xuất khẩu thời gian tới kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với những cam kết tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để cơ cấu lại chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp cũng sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất khẩu. Trong nước, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhưng cũng không ít khó khăn
Nửa đầu năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so cùng kỳ và xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD. Bên cạnh đó, phần đông các doanh nghiệp trong ngành đều đã có đơn hàng cho quý III, quý IV, một số đơn vị thậm chí đã bắt đầu ký kết đơn hàng cho quý I năm 2023. Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) lại đưa ra dự báo về mức tăng trưởng thấp của ngành trong nửa cuối năm nay. Nguyên nhân là do cầu dệt may thế giới đang có xu hướng giảm bởi nguy cơ lạm phát tăng, nhất là ở các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu,… người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex Vương Đức Anh cho biết, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát tăng cao cũng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo khảo sát, đã có tới 40% số người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo.
Ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện cũng đang phải đối mặt với thách thức từ cầu tiêu dùng giảm. Theo TheElec (tạp chí công nghiệp điện tử của Hàn Quốc), Samsung đã tồn gần 50 triệu chiếc điện thoại thông minh trong kho của các nhà phân phối trên khắp thế giới. Tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này chỉ sản xuất khoảng 12 triệu chiếc điện thoại thông minh, thấp hơn 20% so cùng kỳ.
Trong khi đó, Việt Nam lại là cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, căng thẳng thương mại, địa chính trị và giá cước vận tải ở mức cao cũng đang gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Bộ Công thương cho biết, việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện,… tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa, là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước bốn tháng đầu năm ước đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so cùng kỳ. Để ứng phó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan triển khai công tác nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hai văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cũng như các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm bám sát hơn với tình hình và đòi hỏi của thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước phát triển lành mạnh, bền vững.
Mặt khác, Bộ cũng sẽ tăng cường thông tin, định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch; kêu gọi doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản và trái cây thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa,…
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, đẩy mạnh sản xuất trong nước nhằm thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.
Các chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, cần theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời điều chỉnh.
Các doanh nghiệp cần coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính có giá trị xuất khẩu cao. Song song với việc tận dụng lợi ích từ các FTA, doanh nghiệp cũng cần có những hiểu biết để có các giải pháp ứng phó hợp lý với các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay mà nhiều quốc gia đang đưa ra như một hàng rào mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()