Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Không để dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi sản xuất tại các KCN, KKT
Thứ 6, 20/08/2021 | 08:00:15 [GMT +7] A A
Các KCN, KKT được xác định đóng vai trò chủ đạo trong phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Từ đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường hỗ trợ các KCN, KKT chủ động các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không để dịch Covid-19 xâm nhập
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ các địa phương xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong địa bàn KCN, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành.
Trong đó chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nơi có các KCN, KKT tập trung kiểm tra, chỉ đạo người lao động tạm thời không di chuyển ra khỏi tỉnh; các trường hợp đi - về từ vùng dịch, tiếp xúc với các ca nhiễm, nghi nhiễm phải thực hiện cách ly, giám sát theo quy định; tổ chức định kỳ lấy mẫu xét nghiệp xác suất, luân phiên tại các phân xưởng, nhà máy để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, đảm bảo thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh thông qua kết quả xét nghiệm.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, 5 KCN có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh làm trưởng ban, các phó ban chỉ đạo là lãnh đạo UBND cấp huyện và chủ đầu tư hạ tầng KCN, các thành viên là giám đốc các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN.
Theo thống kê, hiện đã có 56/56 doanh nghiệp trong các KCN thành lập được Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên; 42/56 doanh nghiệp thành lập 151 tổ an toàn Covid-19 tại phân xưởng, dây chuyền sản xuất và 56/56 doanh nghiệp triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo Văn bản số 1150/UBND-VX3 ngày 28/2/2021 của UBND tỉnh. Các đơn vị cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống dịch và đã được UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt; đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong KCN cũng đã sử dụng bộ công cụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu bắt buộc toàn bộ cán bộ, công nhân lao động cài đặt ứng dụng Bluezone, Ncovi, khai báo y tế trên http://tokhaiyte.vn, sử dụng mã QR Code. Qua rà soát, hiện trong các KCN đã có trên 26.000 công nhân lao động đã thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên thiết bị điện thoại di động thông minh, đạt trên 84% tổng số lao động trong các KCN.
Điển hình như tại KCN Cảng biển Hải Hà, theo thống kê hiện có 17 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số 12.000 công nhân lao động đang làm việc trong các nhà máy, phân xưởng. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong KCN, các doanh nghiệp này đã trang sắm đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch với sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực, chu đáo từ ngành y tế và chính quyền địa phương. Tất cả các công nhân lao động trong KCN đều được quán triệt sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, không được ra khỏi địa bàn cư trú và thường xuyên thực hiện quy tắc 5K tại cộng đồng.
Khi đến nơi làm việc, trước khi vào cổng nhà máy, phân xưởng sản xuất, các công nhân lao động đều được bộ phận quản lý đo thân nhiệt, thực hiện sát khuẩn tay, khai báo y tế và bắt buộc đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở trong nhà máy.
Ông Đào Huy, Giám đốc Công ty TNHH Texhong Ngân Hà, cho biết: Hiện nay đơn vị có khoảng 4.000 công nhân lao động, đông nhất trong số 17 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Cảng biển Hải Hà. Bám sát các nội dung chỉ đạo của tỉnh, đơn vị đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Đặc biệt, đơn vị triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, luân phiên hàng tuần tại các phân xưởng, nhà máy bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc RT-PCR (mẫu gộp) cho 20% người lao động để tầm soát dịch.
Hiện nay, ngoài việc duy trì, áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ, các KCN, KKT còn được tỉnh quan tâm ưu tiên dành nguồn vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho công nhân lao động. Theo thống kê của các đơn vị liên quan, đến nay đã có trên 23.300 lao động (chiếm 83,5%) của 4 KCN được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19, bao gồm: KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai, nơi có số đông công nhân lao động đang làm việc. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Gia tăng đầu tư, phát triển sản xuất
Từ việc giữ vững được địa bàn an toàn, các KCN, KKT của tỉnh không ngừng gia tăng đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Nếu như ở thời điểm năm 2020, nhiều doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh còn lúng túng trong việc triển khai các biện pháp sản xuất, kinh doanh do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hoặc thiếu nguồn nguyên liệu, xuất nhập khẩu do nước ngoài siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu, thì nay các doanh nghiệp trong KCN đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng), đây là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, với ngành nghề chính là sản xuất mũ xuất khẩu ra nước ngoài. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch, qua đó giữ vững được nhà máy, phân xưởng an toàn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hiện Công ty duy trì 5 xưởng sản xuất mũ vải, 1 xưởng sản xuất mũ len, 1 xưởng thêu và 1 xưởng giặt, với sự tham gia làm việc tích cực của khoảng 2.000 lao động.
Ông Chiu An Liang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long, cho biết: Hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực và vùng lãnh thổ do dịch bệnh bùng phát mạnh, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, các mặt hàng sản xuất gần như không có. Đơn vị đã tận dụng địa bàn Quảng Ninh an toàn, gia tăng phát triển sản xuất, kinh doanh và ký được nhiều đơn hàng lớn cung cấp cho các đối tác nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, các phân xưởng của đơn vị sản xuất được trên 1 triệu mũ các loại, sản phẩm sản xuất ra đến đâu đều được xuất bán hết đến đấy, không tồn kho.
Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 thế nhưng bằng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, kết hợp với địa bàn an toàn nên trong 7 tháng, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh đạt trên 282.000 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, có vốn đăng ký đầu tư tăng thêm gần 25.000 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án, với tổng vốn đăng ký 257.310 tỷ đồng.
Tiêu biểu trong số đó, phải kể đến Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD; dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận, có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 8 triệu USD; dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina, có tổng vốn đầu tư trên 13 triệu USD.
Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt gần 200 triệu USD. Trong đó ghi nhận sự đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, công nghiệp dệt may, từ đó đã tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Quảng Ninh bù đắp cho ngành Du lịch và ngành Than tăng trưởng âm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT của tỉnh 7 tháng đạt gần 2,4 tỷ USD, doanh thu đạt trên 1,3 tỷ USD, thu nộp cho ngân sách nhà nước trên 720 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 36.000 lao động.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với đơn vị có liên quan hoàn tất thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với 5 dự án, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án vào KCN, KKT với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư tăng thêm đạt khoảng 7.418 tỷ đồng. Đồng thời sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư một loạt các dự án động lực, trọng điểm khác, hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn lực phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh trước mắt và lâu dài, đúng theo định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025.
Mạnh Trường
- Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái)
- Phát triển ngành công nghiệp dệt may tại KCN Cảng biển Hải Hà
- Phải nâng cao tỷ lệ lấp đầy, thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN
- Đưa đón công nhân trong Khu công nghiệp: Cần phương án tối ưu
- Phát triển các KCN, KKT: "Cú hích" trong ngành Công nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()