Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:23 (GMT +7)
Không để dịch Covid-19 làm đứt gãy nền kinh tế
Thứ 2, 09/08/2021 | 07:27:47 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình KT-XH và đời sống của người dân. Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đứt gãy trong điều kiện chuyển sang trạng thái mới, vừa hoạt động bình thường, vừa sống chung với dịch, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế.
7 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và lan rộng đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trước tình hình đó, Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp, với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng và hiệu quả. Qua đó đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép, không để dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy các hoạt động KT-XH.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại và dự báo tình hình những tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch Covid-19 với biến thể mới Delta đang diễn biến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao xảy ra trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Ngoài dịch bệnh, về kinh tế, ngành than tiếp tục tăng trưởng âm (sản lượng than sạch giảm 3,3% so với cùng kỳ), ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tổng khách du lịch 7 tháng chỉ đạt 2,57 triệu lượt, giảm 55% so với cùng kỳ; thu NSNN bao gồm cả thu XNK và thu nội địa 7 tháng chưa đạt tiến độ dự toán, có 9/17 khoản thu nội địa dự kiến không đạt tốc độ thu bình quân.
Thêm vào đó, việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư chậm, giá nguyên, nhiên, vật liệu, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao, dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh; sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn…
Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh xác định vẫn phải phấn đấu thực hiện toàn diện các mục tiêu đã đề ra, chủ động, sáng suốt lựa chọn các thứ tự ưu tiên trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, bảo đảm phù hợp, tối ưu nhất. Bởi phải chống được dịch, giữ được địa bàn an toàn thì mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh và sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn…
Trên tinh thần đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị đã chủ động rà soát, cơ cấu lại các khoản chi phù hợp với kịch bản thu, nhất là các khoản thu liên quan đến chi thường xuyên; tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm nguồn dự phòng ngân sách. Cùng với đó, tỉnh cũng đang dốc sức tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là về đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh, XNK hàng hóa, nhất là về công tác GPMB, đất đai, tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế...
Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí, chủ động giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp, tháo gỡ nhanh, dứt điểm và có tiến độ cụ thể gắn với trách nhiệm đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng cấp.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, biên phòng... rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, giảm chi phí không chính thức; đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng vặt để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch nội địa. Thúc đẩy các dự án sản xuất của các doanh nghiệp trong các KKT, KCN; đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - thủy sản, nhất là tốc độ tái đàn lợn, gia cầm... Phát triển doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp XNK, logistics về tỉnh; thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách của những nhà đầu tư chiến lược, như: Vingroup, Sun Group, Thành Công, TH, CEO, Texhong, Amata, Foxconn...
Đối với các dự án, công trình trọng điểm, động lực, Quảng Ninh cũng quyết tâm bảo đảm đúng tiến độ khởi công, hoàn thành, tỷ lệ, chất lượng giải ngân, tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình, nhất là đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm thủ tục hành chính để triển khai dự án trọng điểm, động lực của tỉnh.
Trước mắt, tập trung triển khai sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, công tác GPMB dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh và Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, phấn đấu khởi công trong tháng 10/2021 cùng với các công trình trọng điểm khác, như khu đô thị Hạ Long Xanh, sân golf Đông Triều, để tạo thành cụm công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ và quản lý chất lượng thi công tuyến đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; các dự án lớn, chiến lược trên địa bàn Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái...
Cùng với các nhiệm vụ trên, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cũng được tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra ở các cấp, các ngành, gắn với phát hiện, xử lý tham nhũng, đấu tranh phòng chống tiêu cực, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp ngay từ cơ sở, không để hình thành, phát sinh “điểm nóng”.
Qua đó, động viên khích lệ toàn xã hội tin tưởng, quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH và các giải pháp trọng tâm của năm 2021.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()