Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Không để bệnh đau mắt đỏ lây lan rộng
Thứ 5, 19/10/2023 | 09:18:38 [GMT +7] A A
Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây lan trong môi trường, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể mắc lại chỉ sau vài tháng. Do đó, nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, bệnh rất có khả năng lan rộng thành dịch lớn.
Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, có nguy cơ lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 8 và tháng 9/2023 đã tiếp nhận, khám, điều trị cho hơn 900 ca bệnh đau mắt đỏ ở nhiều lứa tuổi. Đáng chú ý, nhiều ca biến chứng viêm giác mạc, viêm kết giác mạc, sẹo giác mạc, gây suy giảm thị lực cho người bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn, virus gây ra, hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Đây không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc, thậm chí mất thị lực. Bệnh khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn xanh, vàng. Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có nguy cơ xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi, hoặc gây tổn thương giác mạc. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài cho trẻ. Thông thường, đau mắt đỏ sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường hợp bị nặng hơn ở thể viêm kết giác mạc phải điều trị 10-20 ngày.
Bác sĩ Ngô Trung Thanh, Trưởng Khoa mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Bệnh đau mắt đỏ hay gặp ở lứa tuổi trẻ nhỏ, các cháu đi học thường lây nhiễm ở trường, về nhà lại lây cho bố mẹ, cho cả nhà. Khi có dấu hiệu đau, đỏ, cộm mắt, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị đúng bệnh. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị có thể dẫn đến loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí bị sẹo giác mạc, làm suy giảm thị lực.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ trong giai đoạn giao mùa hiện nay, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, tra rửa mắt bằng dung dịch muối sinh lý 0,9% hằng ngày, cũng như vệ sinh tay thường xuyên. Đồng thời, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác; hạn chế tới chỗ đông người để tránh lây lan cho người khác. Người bệnh không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà hoặc theo những phương thức truyền miệng dân gian.
Ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ, không để thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Khuyến cáo sớm đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ, hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.
Ngành Y tế cũng phối hợp cùng ngành GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở trên địa bàn thực hiện những biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch triệt để, đảm bảo vệ sinh trường học, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phối hợp cùng cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp, tránh những biến chứng, giúp đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()