Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:36 (GMT +7)
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 5, 02/09/2021 | 15:08:09 [GMT +7] A A
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, bên cạnh duy trì tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế, đầu tư phát triển vùng khó của tỉnh... với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
An sinh xã hội - mục tiêu, động lực để phát triển
Với quan điểm “mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội, quan tâm vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đối tượng chính sách, yếu thế...
Nổi bật là: Nghị quyết số 07-NQ/TV ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc; Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ưu tiên ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng triển khai các chính sách dân tộc nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình 135 của tỉnh, đã có hàng nghìn công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư; trên 1.400 ngôi nhà được xây dựng, trao cho hộ nghèo, khó khăn...
Chị Lương Thị Nồng, hộ cận nghèo (thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) được hỗ trợ xây nhà mới (tháng 5/2021), xúc động nói: “Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, chắc chắn gia đình tôi không thể có ngôi nhà mới. An cư mới lạc nghiệp, được ở trong ngôi nhà vững chãi, tôi thêm yên tâm phát triển sản xuất, vượt lên thoát nghèo. Hy vọng có nhiều hộ nghèo, khó khăn như tôi được hỗ trợ, giúp đỡ...”. Niềm vui của chị Nồng cũng là niềm vui của rất nhiều hộ nghèo, khó khăn trong tỉnh khi đón nhận những tình cảm, sự sẻ chia từ các chương trình hỗ trợ.
Quảng Ninh hiện có 67 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nhiều nơi vẫn còn khó khăn. Theo đồng chí Lý Văn Thành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, các nghị quyết, chính sách của tỉnh ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Từ nhiều năm nay, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách trợ giúp thường xuyên; người có công với cách mạng được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh giải quyết chế độ chính sách cho 6.742 người có công với cách mạng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 2.673 hộ người có công; thực hiện đầy đủ trợ cấp hằng tháng cho 41.000 đối tượng; giải quyết kịp thời chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 3.000 lao động. Tỉnh cũng hỗ trợ 193.719 người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trên 15,4 tỷ đồng. Tổng chi cho công tác an sinh xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm nay đạt trên 896,6 tỷ đồng...
Thành quả từ các chính sách, chương trình hỗ trợ, Quảng Ninh không còn xã, thôn ĐBKK, hoàn thành chương trình 135 vào năm 2020. Thu nhập bình quân ở các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt gần 33 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,14% (năm 2020 là 0,23%)...
Tiếp tục sẻ chia khó khăn trong đại dịch
Năm 2020 cả nước xuất hiện dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, đời sống của nhân dân. Người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... lại càng khó khăn hơn.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), người nghèo. Tính đến tháng 7/2021, tỉnh đã hỗ trợ trên 89.750 NLĐ, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, trên 1.180 doanh nghiệp với số tiền 110,4 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ tỉnh kịp thời hướng dẫn MTTQ các cấp hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, huy động kinh phí, nhu yếu phẩm, lương thực giúp người dân gặp khó khăn do đại dịch. Đến ngày 13/7/2021 có 402 tập thể và cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh gần 164 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc quản lý, phân phối tiền, hiện vật được thống nhất với BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Toàn bộ kinh phí được sử dụng mua vắc-xin phòng Covid-19, trang thiết bị y tế; hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch... Đây là tấm lòng và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Quảng Ninh, thông qua Mặt trận để cùng cả nước chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh...
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XV đã thông qua Nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặc biệt ưu tiên 25 xã, 24 thôn mới hoàn thành chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020. Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có thêm Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Các nghị quyết, chính sách này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trên quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, với những chính sách thiết thực, phù hợp và kịp thời đã thể hiện sự chung tay, sẻ chia đầy trách nhiệm của tỉnh đối với nhân dân trước thiên tai, dịch bệnh; góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH các vùng miền trong tỉnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()