Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:22 (GMT +7)
Thơ văn về Hạ Long xưa
Thứ 3, 13/02/2024 | 10:30:09 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long được thế giới bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới, điều hiển nhiên này không phải ngày hôm nay mới được khẳng định. Từ xa xưa, Hạ Long đã trở thành niềm yêu dấu của rất nhiều đấng quân vương, bậc trí giả, thi sĩ.
Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc. Trong Dư địa chí, ông dành hai chương và nhiều chi tiết ghi chép về An Bang (Quảng Ninh ngày nay). Nguyễn Trãi có một chùm thơ chữ Hán viết về những thắng cảnh An Bang như: Bạch Đằng hải khẩu (Cửa bể Bạch Đằng), Quan hải (Cửa bể), Quan duyệt thủy trận (Xem duyệt thủy trận), Vân Đồn, Đề Yên Tử sơn Hoa Yên (Đề chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử), Đề Ngọc Thanh quán (Đề quán Ngọc Thanh), Đề Đông Sơn tự (Đề chùa Đông Sơn), Tĩnh An vãn lập (Buổi chiều đứng ở châu Tĩnh An).
Những bài thơ của Nguyễn Trãi đều đã ghi chép lại vẻ đẹp của một vùng giang sơn hùng vĩ. Trong bài Vân Đồn, thi hào đã viết:
Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa thiết phó kì quan
Nhất bàn lam bích trùng minh kính
Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn...
Dịch thơ:
Đường đến Vân Đồn lắm núi sao,
Kỳ quan đất dựng giữa trời cao.
Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng,
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu...
(Đào Duy Anh dịch)
Căn cứ vào tiểu sử Nguyễn Trãi, có thể ước đoán bài thơ này được ông viết khoảng năm 1440-1441. Như thế, từ cách đây gần 6 thế kỉ, Hạ Long đã được Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới gọi là "kỳ quan".
Nhưng Nguyễn Trãi cũng chưa phải người đầu tiên nhận ra Hạ Long là kỳ quan. Trước Nguyễn Trãi, năm 1369, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, một nhà thơ lớn đời Trần, đã đề thơ ở Hang Son (nay thuộc phường Phương Nam, thành phố Uông Bí), trong đó có 2 câu thơ:
Vũ trụ kỳ quan dương cốc nhật
Giang sơn thanh khí Bạch Đằng thu
(Phía mặt trời lên là kỳ quan vũ trụ/ Thanh khí của cả non sông tụ lại thành mùa thu trên sông Bạch Đằng).
Dương cốc nhật là nơi mặt trời mọc. Đứng ở Hang Son mà nhìn thì phía mặt trời mọc là vùng biển nước vịnh Hạ Long ngày nay. Như vậy, từ thời trung đại, Vịnh Hạ Long đã được các nhà thơ lớn tôn vinh là kỳ quan vũ trụ.
Bên vịnh Hạ Long xinh đẹp, núi Bài Thơ gắn với việc vua Lê Thánh Tông đề thơ vách đá. Với thời gian làm vua 38 năm (10 năm đầu mang niên hiệu Quang Thuận, 28 năm sau lấy niên hiệu Hồng Đức), Lê Thánh Tông đã xây dựng được một triều đại cực thịnh. Ngoài sự nghiệp chính trị, văn hóa, vua Lê Thánh Tông đã để lại những bài thơ chữ Hán và chữ Nôm đặc sắc, một trong số đó là bài thơ chữ Hán Đề Truyền Đăng sơn (Đề vách núi Truyền Đăng).
Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng sơn. Tương truyền, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Tháng 2/1468, vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của Vịnh Hạ Long, nhà vua – thi sĩ cho mài đá đề thơ lên vách núi Truyền Đăng rằng:
Cự tẩm uông dương triều bách xuyên
Loạn sơn kì bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm Hàm tam cổ
Tín thủ dao đề tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên.
Dịch thơ:
Trăm sông triều hội biển mênh mông
Xanh biếc trời xa, núi trập trùng
Có chí, xưa đành theo kẻ khác
Vung tay, nay tóm cả quyền chung
Quân hùng tề chính quanh hoàng đế
Khói báo loạn li tắt Hải Đông
Muôn thuở trời Nam sông núi vững
Chính thời văn trị dẹp binh nhung.
(Mai Xuân Hải dịch)
Bài thơ được khắc trên một vách đá khá phẳng, cách mặt đất chừng 2,5m gồm 56 chữ Hán. Do thời gian, hiện nay các nét đã mờ khá nhiều. Tuy nhiên, bài thơ đã được chép trong thư tịch cổ, nên đó là chỗ dựa của các nhà nghiên cứu tìm hiểu bài thơ này. Bài thơ đã trở thành di sản văn hóa quý giá của Quảng Ninh.
Mùa xuân năm 1729, chúa Trịnh Cương đi tuần thú và duyệt thủy quân ở vùng biển Đông Bắc và đã làm bài thơ họa lại bài thơ khắc trên vách đá núi Truyền Đăng của vua Lê Thánh Tông.
Là người có học vấn sâu và có tài văn thơ, đương thời được nhiều người ca ngợi, bài thơ họa của chúa Trịnh Cương đăng đối nghiêm ngặt, ngôn ngữ và hình ảnh miêu tả vùng trời biển Hạ Long thật tài hoa. Bài thơ được khắc trên một vách đá nghiêng xuống đất nên tránh được sự hủy hoại của nước mưa, đến nay vẫn còn nguyên, rất dễ đọc. Phiên âm bài thơ họa của chúa Trịnh Cương như sau:
Minh hạnh vô nhai hối tổng xuyên
Sơn liên trám thủy, thủy man thiên
Thần kì mạc trạng an bài chưởng
Hàm nhuận nan danh hóa dục quyền
Đại viện thượng di cầm Thát xú
Xuân quang điệp kiến lạn hoa yên
Tái tuân nhất dự phu đài duyệt
Quần hồ hàm ca hải yến niên
Dịch thơ:
Bát ngát không bờ, hội các sông
Núi liền trong nước, nước lên không
Tay ai sắp đặt kì quan vậy
Phép tạo ban cho chẳng tả cùng
Thưở cũ hôi rình mùi giặc Thát
Xuân này sáng đẹp sóng hoa tung
Chốn xưa trở lại lòng vui sướng
Quân sĩ ca cùng biển lắng trong.
(Tống Khắc Hài dịch)
Chúa Trịnh Cương và vua Lê Thánh Tông - hai con người ở hai thời đại khác nhau đã cùng đến một nơi làm thơ xướng họa đề lên vách núi, góp phần bồi đắp vẻ đẹp văn hóa, lịch sử cho kì quan non nước này.
Ngoài tác phẩm họa thơ Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Cương còn có tập Lê triều ngự chế quốc thi (bản chép tay gồm 36 trang bằng chữ Nôm) nhắc đến việc đi tuần An Bang. Ông còn có tập Tuần tỉnh ký trình khúc (Khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh) gồm 27 khổ thơ cũng nhắc đến phong cảnh vùng đất Quảng Ninh ngày nay. Trong Tuần tỉnh ký trình khúc, vẻ đẹp biển trời vùng duyên hải Đông Bắc được Chúa ca ngợi: “Thuyền tiên nhẹ mái thênh thênh/ Ngàn tầm khuất khúc vân oanh lạ vời…”.
Đấng vương công hay chữ còn nhắc đến hội thi bơi chải ở làng chài trên vịnh Hạ Long xưa: “Khéo lần vừa ngang Cửa Lục/ Trống gióng ba giải cuộc tranh miên/ Hiến giang thoắt tới kế miền/ Lễ bày bái yết dưới trên vui vầy”. Những bài thơ này của chúa Trịnh Cương có ý nghĩa quan trọng với văn học Quảng Ninh, mang giá trị tiếp nối một dòng chảy văn học trung đại bề thế, thể hiện tình yêu thiên nhiên và con người sâu sắc. Đây là cứ liệu quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về thiên nhiên, con người và văn hóa vùng Đông Bắc.
Đến Hồ Xuân Hương, vịnh Hạ Long lại được thẩm bình bởi con mắt sắc sảo và tài thơ hiếm thấy. Từ năm 1814 - 1818, Hồ Xuân Hương về trấn lị Yên Quảng (Quảng Yên ngày nay) làm vợ kế Tham hiệp Trần Phúc Hiển. Trong thời gian này, Xuân Hương đã đi thăm nhiều nơi. Vịnh Hạ Long - vũng Hoa Phong đã gây cho bà những ấn tượng đặc biệt, chùm thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương viết về vịnh Hạ Long là cảm nhận riêng về cảnh vật, con người và những hoạt động trên vùng quê sông nước.
Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong công trình nghiên cứu với tựa đề "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long" đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội số 10 và 11, xuất bản tại Pa-ri (tháng 12/1983) thì Hồ Xuân Hương có 5 bài thơ chữ Hán viết về vịnh Hạ Long, gồm: Độ Hoa Phong (Qua vũng Hoa Phong), Hải ốc trù (Ngóng đỉnh Toan Ngoan), Nhãn phóng thanh (Mắt toả màu xanh), Thuỷ Vân hương (Về chốn nước mây) và Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo).
Đọc những dòng thơ viết về phong cảnh Vịnh Hạ Long của Hồ Xuân Hương, độc giả cảm nhận rõ rệt một tâm hồn đầy chất trữ tình trước mây trời non nước. Ở Trạo ca thanh (Trỗi tiếng ca chèo), biển trời, non nước Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc:
Linh lung tứ bích liệt vân bình
Ngọc duẩn sâm si thuỷ diện bình
Tiệm giác Đào Nguyên sơn tác hộ
Chỉ tùng Ngư Phố thạch đồn binh
Tận giao Tạ khách du nan biến
Già mạc Vân Lâm hoạ bất thành
Dao vọng thuỷ cùng sơn tận xứ
Hốt nhiên xung xuất trạo ca thanh.
Dịch thơ:
Long lanh bốn phía rủ màn mây,
Nước phẳng lô nhô măng mọc dày.
Mới biết Nguồn Đào ngăn cửa đá,
Nào ngờ Bến cá có đồn xây
Mặc cho họ Tạ xem đâu hết,
Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tầy.
Xa ngóng chân trời non lẫn nước,
Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây.
Nước phẳng lô nhô măng mọc dày.
Mới biết Nguồn Đào ngăn cửa đá,
Nào ngờ Bến cá có đồn xây
Mặc cho họ Tạ xem đâu hết,
Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tầy.
Xa ngóng chân trời non lẫn nước,
Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây.
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Ở các bài Độ Hoa Phong, Nhãn phóng thanh, Thuỷ Vân hương, cảnh đẹp vịnh Hạ Long hiện ra mỗi lúc một vẻ. Ở Độ Hoa Phong, vịnh Hạ Long trong cảm nhận của Hồ Xuân Hương đích thị là chốn tiên cảnh:
Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong,
Tiễu bích đan nhai xuất thuỷ trung.
Thuỷ thế mỗi tuỳ sơn diện chuyển,
Sơn hình tà kháo thuỷ môn thông.
Ngư long tạp xử thu yên bạc,
Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng.
Ngọc động vân phòng tam bách lục
Bất tri thuỳ thị Thuỷ Tinh cung.
Dịch thơ:
Căng buồm chẳng vội vượt Hoa Phong
Đá dựng sườn non mọc giữa dòng
Thế nước men theo chân núi chuyển
Hình non bám lạch lối luôn thông
Chiều buông ráng đỏ cò âu lượn
Khói toả hơi thu ẩn cá rồng
Động ngọc ba trăm chừng có lẻ
Đâu nào chốn ấy Thuỷ Tinh cung?
(Đào Văn Nghi dịch)
Còn ở bài Nhãn phóng thanh, Hồ Xuân Hương viết:
Vi mang loa đại tháp thương minh
Đáo thử tu giao nhãn phóng thanh
Bạch thuỷ ma thành thiên nhẫn kiếm
Hàn đàm phi lạc nhất thiên tinh
Quái hình vị dĩ tiêu tam giáp
Thần lực hề dung tạc Ngũ Đinh
Phảng phất vân đồi đầu ám điểm
Cao tăng ưng hữu toạ đàm kinh.
Dịch thơ:
Bể xanh lấp loáng tận trời xa,
Đây ngỡ màu xanh mắt tỏa ra.
Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm,
Đầm im rơi xuống một sao sa.
Quái hình chưa dễ đề khoa bảng,
Thần lực đâu đà tạc tượng ma.
Phảng phất mây rà đầu xẩm tối,
Cao tăng đang tụng chốn chiền già.
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Ở bài Thủy vân hương, Hồ Xuân Hương viết:
Vân căn thạch đậu tự phong phòng
Mãn mục sơn quang tiếp thuỷ quang
Thiệp hải tạc hà si Lí Bột
Phụ chu tàng hác bái Nguyên Chương
Loa ngân tịch tễ lân tuần xuất
Vụ ảnh triêu mê thứ đệ tàng
Mạn thuyết ngư nhân chu nhất diệp
Sổ trùng môn hộ Thuỷ Vân hương.
Dịch thơ:
Chân mây lỗ đá từa phòng ong
Chốn chốn lèn chong ánh nước lồng.
Vượt bể đục non cười Lí Bột,
Đội thuyền giấu động phục Nguyên Ông.
Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi,
Sáng toả mù tan lớp lớp trong.
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng.
Chốn chốn lèn chong ánh nước lồng.
Vượt bể đục non cười Lí Bột,
Đội thuyền giấu động phục Nguyên Ông.
Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi,
Sáng toả mù tan lớp lớp trong.
Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,
Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng.
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Nếu như ở Độ Hoa Phong, Nhãn phóng thanh, Thuỷ Vân hương và Trạo ca thanh độc giả gặp một nữ sĩ đắm đuối mê say trước cảnh đẹp huyền ảo của Vịnh Hạ Long thì ở Hải ốc trù, lại thấy một cái nhìn có tầm quân sự chiến lược đối với vịnh Hạ Long:
Lan nhiêu tuỳ ý dạng trung lưu
Cảnh tỉ sơn dương cánh giác u
Sinh diện độc khai vân lộ cốt
Đoạn ngao tranh kị khách hồi đầu
Bằng Di diệp tác kình thiên trụ
Long Nữ thiêm vi hải ốc trù
Đại để Thuỷ Hoàng tiên vị cập
Cố lưu Nam điện củng kim âu.
Dịch thơ:
Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan
Sát núi càng hay cảnh lặng nhàn
Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi
Núi cao những ngóng đỉnh Toan Ngoan
Bằng Di chống cột e trời đổ
Long Nữ thêm nêu sợ bể tràn
Dấu ngựa Thuỷ Hoàng chưa đến đó
Trời dành để giữ đất người Nam
(Hoàng Xuân Hãn dịch)
Tầm vóc của bậc tài nữ là đây. Trước núi non, biển trời hùng vĩ, tươi đẹp của vịnh Hạ Long, vượt lên những xúc cảm phiêu diêu, đắm say ban đầu là con mắt, khối óc tỉnh táo nghĩ đến tương lai, vận mệnh đất nước, ý thức bảo vệ bờ cõi linh thiêng của dân tộc.
Đến đầu thế kỉ XIX, vịnh Hạ Long lại xuất hiện trong tập sách Lan Trì kiến văn lục của tác giả Vũ Trinh. Lan Trì kiến văn lục gồm 45 truyện, viết về nhiều đề tài khác nhau, từ tình yêu trai gái, đạo đức thi cử đến báo ứng luân hồi và những câu chuyện kỳ quái. Phần lớn những truyện đó được nhà văn viết dựa trên những truyền thuyết trong dân gian mà ông thu thập được ở vùng Hồ Sơn nói riêng và vùng Sơn Nam Hạ nói chung. Những truyện truyền kỳ này được Vũ Trinh viết bằng ngôn ngữ văn chương đẹp dung dị, dồi dào xúc cảm và hết sức cuốn hút. Vũ Trinh đứng riêng ra một cõi, là cõi văn chương truyền kỳ với những thủ pháp dị thường không kém phần đặc sắc so với thủ pháp của trường phái hiện thực huyền ảo Mỹ La tinh.
Truyện Tiên ngoài hải đảo là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách truyền kỳ của Vũ Trinh. Ông viết về cuộc du thủy của nhân vật Nguyễn Lộc và nhóm bạn ở huyện Thanh Trì phủ Thường Tín trấn Sơn Nam thượng, nay là ngoại thành Hà Nội. Nhóm bạn này đã thuê thuyền đi Quảng Yên. Thuyền bị dạt vào một hòn đảo cây cối tốt tươi. Mọi người lên bờ đuổi theo một con hươu rồi lạc mất nhau mỗi người một ngả. Bỗng có hàng chục con hổ từ trên núi xuống. Mọi người tháo chạy chỉ còn mình Lộc vội vã trèo lên cây. Chờ hổ đi rồi Lộc mới lang thang trên đảo tìm đường trở lại thuyền. Lộc gặp hai vị tiên đang chơi cờ, thưởng trà trên tảng đá lớn. Lộc cúi lạy xin hai cụ chỉ đường, hai cụ sai tiểu đồng đưa cho Lộc một cành cây rồi bảo cứ cầm mà đi sẽ thấy thuyền ở trước mặt. Qua hai ngày lạc trên núi, Lộc đã tìm được về thuyền trong sự kinh ngạc của mọi người. Càng kinh ngạc hơn khi Lộc kể lại câu chuyện gặp tiên trên núi và trợ giúp.
Qua các tác phẩm văn chương thuộc nhiều thể loại khác nhau, có thể thấy, vịnh Hạ Long chính là nơi gặp gỡ, tụ hội giữa những bậc trí giả trong dòng lịch sử. Có thể khẳng định, chính truyền thống kiên cường bất khuất của người Quảng Ninh trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã thổi hồn cho biết bao địa danh, sông núi, để Quảng Ninh trở thành địa danh không chỉ có kì quan thiên nhiên quý giá mà còn là địa danh giàu truyền thống lịch sử, thu hút sự quan tâm các thế hệ sáng tác. Trên nền tảng này, đất và người Quảng Ninh đã được lưu dấu trong văn học trung đại nước nhà. Tuy chưa có thật nhiều tác phẩm do chính con người Quảng Ninh viết lên, nhưng ta vẫn nhìn thấy dấu ấn con người Quảng Ninh đậm nét trong các sáng tác.
PGS. TS Hoàng Thị Thu Giang (Phó Hiệu trưởng Đại học Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()