Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:15 (GMT +7)
Không chú ý bổ sung crom dễ tiểu đường, tim mạch...
Thứ 6, 05/07/2024 | 15:41:06 [GMT +7] A A
Crom là một nguyên tố vi lượng thiết yếu với cơ thể nhưng không được chú ý. Thiếu crom có thể dẫn tới các bệnh tim mạch, tiểu đường... Chọn thực phẩm có crom để bổ sung hằng ngày có thể giúp bệnh tiểu đường thuyên giảm và hạ được cholesterol máu.
Trợ thủ đắc lực giúp kiểm soát đường máu
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết crom là nguyên tố vi lượng thiết yếu với cơ thể nhưng chúng ta ít chú ý, gần như không chú trọng bổ sung nó trong bữa ăn hằng ngày.
Crom cần cho sự tổng hợp và chuyển hóa các chất đường (glucid) và chất béo (lipid) trong cơ thể, có tác dụng như một trợ thủ đắc lực của insulin kiểm soát lượng đường trong máu.
Khi thiếu crom, cơ thể có nguy cơ giảm hàm lượng cholesterol tốt, tăng tích mỡ trong cơ thể. Bởi vậy, thiếu crom cơ thể có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch và bệnh tiểu đường.
Ngược lại, bệnh tiểu đường cũng có ảnh hưởng làm giảm sút lượng crom vì bị thải ra ngoài theo nước tiểu.
Bệnh béo phì thường liên quan tới chứng xơ cứng động mạch vành và chứng nhồi máu cơ tim. Tác dụng của crom là liên kết với sự chuyển hóa lipid, bổ sung crom làm gia tăng hàm lượng cholesterol tốt (HDL) làm giảm các glycerid và từ đó góp phần ngăn ngừa sự tích tụ mỡ bên trong các mạch máu.
Vì vậy, việc dùng crom có tác dụng làm giảm cân nhẹ, tránh được một số bệnh về tim mạch: xơ vữa động mạch, cao huyết áp, loạn nhịp tim... và những phản ứng phụ của thuốc ngừa thai.
Theo đánh giá về hiệu quả và độ an toàn của việc bổ sung crom trong bệnh tiểu đường đã chỉ ra rằng bổ sung crom có thể hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và kháng insulin (tiền tiểu đường).
Có bằng chứng tốt cho thấy crom có thể làm giảm mức đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin, mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều cho thấy lợi ích.
Theo một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp về bổ sung crom và hội chứng buồng trứng đa nang cũng phát hiện ra rằng crom có thể giúp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), có liên quan đến kháng insulin.
Chất bổ sung crom cũng đã và đang được nghiên cứu về tác dụng của chúng đối với cholesterol, nguy cơ bệnh tim, rối loạn tâm lý, bệnh Parkinson và các bệnh khác.
Thiếu hụt hơn 20% cần bổ sung bằng thực phẩm
GS.TS Đỗ Tất Cường, phó chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, cho biết hằng ngày lượng crom đưa vào vẫn ít hơn 20% so với nhu cầu thực tế của cơ thể.
Lượng crom đưa vào không đủ cộng với quá trình lão hóa, béo phì, chế độ ăn thiếu protein, mang thai, phẫu thuật, uống nhiều rượu bia, bệnh tật, nhiễm vi rút... lại càng làm cơ thể thiếu hụt crom quá mức.
Tuổi càng cao thì lượng crom dự trữ trong cơ thể càng giảm. Ở tuổi 70, lượng crom trong cơ thể chỉ còn một nửa so với tuổi thanh niên, do đó nhu cầu bổ sung crom hằng ngày là rất quan trọng.
Theo nghiên cứu, cơ thể người cần 50 - 200mcg crom mỗi ngày. Phụ nữ có thai thường thiếu hụt crom do thai nhi cần rất nhiều crom. Một điều đáng chú ý là dùng nhiều đường trắng, ăn nhiều tinh bột trắng, bị chấn thương nặng... cũng dẫn đến giảm crom.
PGS.TS Trần Đáng cho biết crom được đưa vào cơ thể qua thực phẩm, hô hấp, da. Cơ thể người có từ 1-5mg crom, được phân phối đều khắp ở các tế bào.
Crom có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta và nó có mặt trong khá nhiều loại thực phẩm. Cũng giống như những nguyên tố vi lượng khác, crom chỉ tồn tại với lượng khá nhỏ trong thực phẩm.
Nên thêm thực phẩm giàu crom vào chế độ ăn uống
Theo nghiên cứu, crom có nhiều trong (tính trong 100g/µg): trai 129, quả hạch Brazil 100, sò 57, tôm he nâu 26, bột mì cám 21, cà chua 20, nấm 17, súp lơ xanh 16, thịt bò 3, lòng đỏ trứng 6, cá trích 2… Các loại thực phẩm giàu crom nên thêm vào chế độ ăn uống gồm:
- Bông cải xanh: Bông cải xanh là một trong những thực phẩm giàu crom. Loại rau này còn được biết đến với nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh khác như vitamin A, canxi, vitamin C, vitamin B6 và magiê. Để cơ thể hấp thụ được lượng crom tốt nên hấp hoặc xào bông cải xanh.
- Bắp: Bắp là một trong những thực phẩm cung cấp khoáng chất vi lượng crom. Bên cạnh đó, bắp cũng chứa các vitamin và khoáng chất khác như sắt, vitamin B6 và magiê. Do đó, thường xuyên ăn bắp sẽ ngăn ngừa bệnh tiểu đường, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp và ngăn ngừa ung thư ruột kết.
- Khoai lang: Khoai lang rất giàu chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể như crom, vitamin A, vitamin C, mangan và một số vitamin, khoáng chất khác. Khoai lang còn có vị ngọt tự nhiên, giàu chất xơ, giúp quản lý bệnh tiểu đường và giảm cân hiệu quả.
- Yến mạch: Yến mạch được coi là một trong những thực phẩm ăn sáng tốt cho sức khỏe. Yến mạch là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng như crom, canxi, sắt, vitamin B6 và magiê. Ngoài ra, yến mạch còn giàu chất xơ và có các đặc tính làm giảm cholesterol xấu.
- Đậu côve: Đậu côve rất giàu crom, thích hợp với chế độ ăn kiêng của người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch. Đậu côve cũng chứa các chất dinh dưỡng khác như vitamin K, vitamin C, vitamin B2, folate và chất xơ.
- Trứng: Một quả trứng chứa 26mcg crom. Trứng cũng rất giàu protein, canxi, vitamin D, vitamin B12, magiê và vitamin B6. Trứng không chỉ thích hợp với chế độ ăn kiêng giảm cân mà còn thích hợp với chế độ ăn uống của người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.
- Nho: là nguồn cung cấp các khoáng chất và vitamin như crom, vitamin A, vitamin C, vitamin B6. Uống nước ép nho sẽ làm tăng hàm lượng khoáng chất vi lượng crom.
Cà chua: Cà chua cũng là một trong những loại thực phẩm rất giàu crom. Cà chua cũng chứa nhiều vitamin C, biotin, chất xơ và kali. Nên ăn cà chua ở dạng sống, bằng cách thêm vào món salad, làm nước ép, để hấp thụ được nhiều crom hơn.
Khi ăn, crom hấp thu ở ruột non với tỉ lệ 0,4-3%. Khi tuổi cao, sự hấp thu giảm dần. Chế độ ăn uống và một số chất cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu crom, có chất làm hạn chế (chất phytat), có chất làm tăng (histidin, acid glutamic...). Mỗi ngày cơ thể chỉ cần khoảng 4µg crom lấy từ thức ăn. Vận động viên thể thao, người ăn nhiều chất ngọt, người bị tiểu đường có nhu cầu crom cao hơn những người khác. Tính độc của chất crom sinh học trong thức ăn không đáng kể nên hiện tượng gia tăng nồng độ crom trong máu ở những người có bệnh tiểu đường không đáng lo. Crom điều chế từ quặng mỏ kim loại thì có độc tính cao hơn. Sự nhiễm độc do bụi crom và các muối crom có thể gây tổn thương nặng ở phổi và đường hô hấp. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()