Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 04:56 (GMT +7)
Không chủ quan với COVID-19
Chủ nhật, 16/04/2023 | 18:23:00 [GMT +7] A A
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Theo thống kê, trong 7 ngày qua (từ 9/4- 15/4), cả nước đã ghi nhận 2.653 ca mắc COVID-19 mới, trung bình 379 ca mắc mới/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta, có 3 ngày liên tiếp số ca mắc tăng kỷ lục với trên 700 ca mắc mỗi ngày, cụ thể: Ngày 14/4 là 780 ca; 15/4 là 775 ca và ngày 16/4 là 716 ca mắc.Trong khi các tuần trước đó, số mắc COVID-19 mỗi ngày chỉ vài ca, nếu cao nhất cũng chỉ vài chục ca/ngày (tuy nhiên rất ít ngày số ca mắc ở con số vài chục). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng.
Tại Quảng Ninh, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát ổn định và duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng. Từ 1-15/4/2023, toàn tỉnh ghi nhận 547 ca mắc, 2 ca mắc có triệu chứng nặng, không có ca tử vong. Cụ thể ở từng địa phương: Hạ Long 251 ca, Đông Triều 90 ca, Uông Bí 87 ca, Cẩm Phả 55 ca, Quảng Yên 24 ca, Tiên Yên 20 ca, Vân Đồn 10 ca, Hải Hà 4 ca, Đầm Hà 3 ca, Bình Liêu 2 ca, Móng Cái 1 ca. Trong đó, có 5 ổ dịch được phát hiện, giám sát, xử lý gồm: TP Hạ Long (2 ổ dịch tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THCS Lê Văn Tám; TP Uông Bí (2 ổ dịch tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ và Trường Tiểu học Stephen Hawking); huyện Tiên Yên (1 ổ dịch tại Trường Dân tộc nội trú huyện Tiên Yên).
Tính từ 01/01- 15/04/2023, toàn tỉnh ghi nhận 670 ca mắc COVID-19 tại 13/13 địa phương, số ca mắc tập trung chủ yếu ở Hạ Long (286 ca), Uông Bí (135 ca), Đông Triều (104 ca), Cẩm Phả (64 ca). Trong đó, số ca mắc trong tháng 4 là 547 ca (tính đến ngày 15/4); cộng dồn toàn tỉnh từ đầu vụ dịch đến nay có 362.047 ca mắc (nhập cảnh 228 ca, nội địa 361.819 ca) và 163 ca tử vong, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,045%. Kết quả giám sát biến chủng: số ca xét nghiệm đã gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen là 50 mẫu, ghi nhận 49 ca nhiễm biến chủng Omicron, hiện 1 mẫu đang chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Các ca mắc COVID-19 chủ yếu nằm ở nhóm tuổi lớn trên 18 tuổi (430 ca, chiếm 64,17%) và ít nhất ở nhóm dưới 5 tuổi (24 ca, chiếm 3,6%). Ngoại trừ nhóm tuổi dưới 5 chưa được tiêm chủng, hầu hết các ca mắc ở các nhóm tuổi còn lại đều có tiền sử tiêm phòng tốt, tỷ lệ tiêm đủ mũi rất cao: nhóm 5-11 tuổi có 44/46 ca mắc COVID-19 đã tiêm đủ 2 mũi, nhóm 12-17 tuổi có 141/170 ca đã tiêm đủ 3 mũi và ở nhóm trên 18 tuổi có 211/430 ca đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin và 197/430 ca tiêm 3 mũi vắc xin.
Hầu hết các ca mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ (473/670 ca, chiếm 70,6%) hoặc không có triệu chứng (195/670 ca, chiếm 29,1%), trong đó có 2 trường hợp có triệu chứng nặng, chiếm 0,3% (1 trường hợp sinh năm 1944, cư trú tại TX Đông Triều, tiêm 4 mũi vắc xin phòng COVID-19, nhập viện do chấn thương sọ não, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện, hiện bệnh nhân tỉnh, liệt nửa người, thở oxy; 1 trường hợp sinh năm 1942, cư trú tại TP Hạ Long, tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, phát hiện tại cộng đồng, có tiền sử hen phế quản, tăng huyết áp, hiện bệnh nhân đang thở máy, đặt nội khi quản, tiên lượng nặng).
Theo báo cáo của ngành y tế, hầu hết các ca mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi điều trị tại nhà (542/670 ca, chiếm 80,9%); có 17 trường hợp (ổ dịch Trường DTNT Tiên Yên) được quản lý, theo dõi điều trị tại trường; còn lại 111/670 ca (chiếm 16,42%) được điều trị tại cơ sở y tế.
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát ổn định, tuy nhiên số ca mắc trong những ngày gần đây đang có xu hướng tăng, trong đó phần lớn là người cao tuổi và có bệnh lý nền nên vẫn có nhiều nguy cơ bệnh trở nặng. Mặt khác, mặc dù tỷ lệ người tiêm vắc xin trong cộng đồng của Quảng Ninh đạt cao, số ca mắc trong thời gian qua chủ yếu đều có triệu chứng nhẹ, nhưng theo thời gian hiệu lực của vắc xin đã giảm dần nên số bệnh nhân mắc có khả năng sẽ tăng lên và ảnh hưởng nhiều đến đối tượng là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ em...
Theo đánh giá, nguyên nhân gia tăng ca bệnh là do hiện nay là thời điểm giao mùa xuân - hè, điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại virút, vi khuẩn phát triển cũng như bùng phát các dịch bệnh. Cùng với đó, hiện đang là mùa cúm nên số lượng người dân có triệu chứng hô hấp cao, do đó số lượng người dân tự mua test về xét nghiệm phát hiện và được xét nghiệm khi vào viện khám điều trị gia tăng. Một số đơn vị làm xét nghiệm sàng lọc tầm soát cộng đồng (Đông Triều) nên số phát hiện gia tăng. Mặt khác, một bộ người dân cho rằng hiện dịch COVID-19 đã không còn nguy hiểm, nên chủ quan, lơ là, dẫn tới tình trạng phát hiện, khai báo muộn.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trên toàn quốc và trên địa bàn tỉnh, Bộ Y tế đã có văn bản số 2116/BYT-DP ngày 12/4/2023; UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 845-UBND/VX5 về tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và các hướng dẫn chuyên môn hiện hành của Bộ Y tế, Sở Y tế. Đồng thời, chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, nhận định tình hình dịch bệnh; cập nhật, báo cáo cấp độ dịch và chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh, cấp độ dịch tại địa phương. Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực cửa khẩu, trường học, khu công nghiệp, khu du lịch, cơ sở y tế. Đặc biệt quan tâm rà soát, quản lý các nhóm đối tượng nguy cơ cao tại địa bàn. Cùng với đó, thúc đẩy, chịu trách nhiệm trong công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và Kế hoạch của tỉnh; chỉ đạo và huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo tiêm đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là nhóm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và nhóm người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới. Tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản số 1411/SYT-NVY ngày 12/4/2023 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giám sát các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2; xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đảm bảo ghi nhận chính xác, đầy đủ, kịp thời để đánh giá đúng khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh tại địa phương.
Cùng với đó, ngày 13/4, Sở Y tế Quảng Ninh tiếp tục gửi văn bản tới các đơn vị liên quan đề nghị tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm củng cố ý thức và thực hành của nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở y tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; truyền thông cho nhân dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo nội dung thông điệp “2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác” của Bộ Y tế.
Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng hậu cần, thuốc men, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo... Các nhà trường đã tăng cường tổ chức phòng chống dịch trong trường, theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của học sinh. Nhiều trường yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi đến trường. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại những địa điểm, sự kiện tập trung đông người, nhất là trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Các đơn vị tổ chức giám sát tại cửa khẩu, phát hiện sớm người nhiễm, nghi nhiễm để cách ly điều trị.
Theo Cục Y tế dự phòng, dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Chính vì thế, không được lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Mỗi người cần tiếp tục tiêm chủng đầy đủ, thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo nội dung thông điệp “2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác” theo đúng khuyến cáo của ngành y tế.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()