Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Đừng chủ quan với bệnh không lây nhiễm
Thứ 3, 29/03/2022 | 05:09:42 [GMT +7] A A
Bên cạnh những bệnh lây nhiễm, bùng phát thành dịch như hiện nay, cũng giống như cả nước, Quảng Ninh còn đối mặt với việc gia tăng bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư... Đây là những bệnh không lây nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội trên địa bàn.
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và tiến triển chậm, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản)... Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật, mất mát cho gia đình và xã hội do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Cùng với đó, bản thân người bệnh và nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chi trả số tiền rất lớn cho việc khám, chữa bệnh không lây nhiễm.
Theo thống kê của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, riêng với bệnh đái tháo đường, các bệnh viện đã quản lý hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú. Do bệnh nhân phải tái khám thường xuyên, duy trì thuốc điều trị suốt đời nên nguồn kinh phí từ quỹ BHYT để phục vụ khám bệnh và cấp thuốc cho các bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm hàng năm cũng không nhỏ. Theo BHXH tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh đã thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho trên 2.196.347 lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú với tổng chi phí 1.580 tỷ đồng, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính.
Trong khi đó, số lượng bệnh nhân phát hiện mới mắc các bệnh không lây nhiễm vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa. Tiêu biểu trong đợt khám sàng lọc tăng huyết áp tại TX Quảng Yên cho 1.700 người do CDC tỉnh tổ chức đã phát hiện 226 trường hợp tăng huyết áp, 153 người tiền tăng huyết áp. Còn qua khám sàng lọc cho 1.500 người cũng tại các xã trên địa bàn TX Quảng Yên về tiền đái tháo đường thì phát hiện 176 người đái tháo đường, 293 trường hợp tiền đái tháo đường. Tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, số lượng người tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư ngày càng nhiều.
Trước nguy cơ đó, ngành Y tế cũng đã tập trung nâng cao năng lực phục vụ cho công tác giám sát, điều trị các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn. Các bệnh viện, trung tâm y tế áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại để điều trị các bệnh không lây nhiễm. Trung tâm Tim mạch (tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Trung tâm Ung bướu (tại Bệnh viện Bãi Cháy) đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tỉnh cũng đã xây dựng và thành lập Bệnh viện Lão khoa và Phục hồi chức năng để điều trị chuyên sâu các bệnh của người lớn tuổi, chủ yếu các bệnh không lây nhiễm.
Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm niệu giải đồ phục vụ điều tra bệnh không lây nhiễm tại tỉnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà. Trung tâm còn phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức lớp tập huấn trực tuyến báo cáo bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho cán bộ y tế chuyên trách của 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn, các bệnh viện tuyến tỉnh; tập huấn điều tra nhóm bệnh không lây nhiễm tại 13 huyện, thị xã, thành phố với 525 học viên tham gia.
Năm 2021, CDC tỉnh còn thực hiện điều tra nhóm bệnh không lây nhiễm tại 60 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố với 3.000 người được phỏng vấn, làm xét nghiệm máu, mao mạch, đường huyết lúc đói; cân đo nhân trắc, đo huyết áp, thu thập mẫu nước tiểu; phối hợp với Bệnh viện Bãi Cháy tổ chức tập huấn phòng, chống ung thư cho 370 học viên tại 13 huyện, thị xã, thành phố. CDC tỉnh còn điều tra tỷ lệ bướu cổ cho trẻ em 8-10 tuổi tại 22 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh với 1.320 trẻ được khám, siêu âm tuyến giáp, 236 bà mẹ của trẻ được tham gia hoạt động điều tra bướu cổ.
Điều đáng nói là phần lớn người bệnh không biết mình bị mắc những bệnh này để đến các cơ sở y tế điều trị sớm; chỉ khi bệnh chuyển giai đoạn muộn mới phát hiện và đi điều trị. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như bệnh nhân rất khó phục hồi.
Theo chương trình giám sát của ngành Y tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, là: Hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần hạn chế những yếu tố nguy cơ nói trên. Đồng thời tỉnh cũng cần kết hợp thêm nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở để giúp người dân kịp thời phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, từ đó được điều trị, tư vấn kịp thời.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()