Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với hoàn lưu sau bão
Thứ 3, 23/07/2024 | 13:15:00 [GMT +7] A A
Bão số 2 (Prapiroon) đã suy yếu khi vào đến đất liền và thành áp thấp nhiệt đới, dự báo sẽ có mưa lớn, kéo dài, cảnh báo có thể xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống. Thực hiện đúng tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, cùng người dân trên địa bàn tỉnh hết sức cảnh giác, không chủ quan, lơ là, chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, đến sáng 23/7, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên dự báo mưa lớn hoàn lưu sau bão là rất phức tạp. Dự báo từ ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, có nơi lên đến 300mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều địa phương như: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn.
Để chủ động ứng phó với các hình thái nguy hiểm sau bão, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Công điện 1970/UBND-KTTC của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó bão số 2, các sở, ngành, đơn vị, địa phương và mỗi người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với hoàn lưu sau bão. Đồng thời, tăng cường chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể gây ra, trọng tâm là bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân.
Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, các địa phương, đơn vị trong tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu sau bão, nhất là các địa phương miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác than, các mỏ đất, dự án, công trình… Trong đó, tập trung phòng, chống mưa lớn sau bão trong điều kiện đất đã bão hòa nước, rất dễ gây sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất.
Các địa phương đã chủ động bố trí người trực 24/24 giờ tại các vị trí ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở..., kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại, bảo đảm nhân lực, thiết bị xử lý hiệu quả các tình huống nảy sinh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, kiên quyết di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn.
Đồng chí Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Ngay sau bão số 2, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện đã nhanh chóng kiểm tra hiện trường, khẩn trương thực hiện, tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh, khôi phục bình thường sinh hoạt và sản xuất, nhất là đối với cây xanh nghiêng đổ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Dự báo những tình huống nảy sinh trước hoàn lưu sau bão, lực lượng chức năng huyện cũng đã khuyến cáo các tàu thuyền đưa, đón khách du lịch, khai thác thuỷ sản tuyệt đối không được chủ quan, rời vị trí neo đậu tránh trú bão khi chưa có thông báo của ngành chức năng. Các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất vẫn được theo dõi sát sao và chủ động các phương án phòng, chống, khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Các đơn vị ngành Than và các địa phương có hoạt động khai thác than chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài sau bão, đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư; thực hiện di dời dân đến nơi an toàn. Theo thông tin Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn TKV, các đơn vị thành viên TKV chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão, triển khai phương án phòng chống bão, mưa lớn, theo đúng phương án phòng chống thiên tai đã xây dựng. Trong đó, tập trung khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước phòng ngừa nguy cơ ngập úng; gia cố, chống xói lở các công trình để phòng chống mưa bão, trong đó lưu ý công trình đập chắn +130 khu vực Tân Dân-Hoành Bồ, công trình kè +110 vỉa 7 và 8 mỏ Hà Tu. Các đơn vị khai thác lộ thiên rà soát kỹ lưỡng bãi thải, khai trường, củng cố các đai tầng thoát nước đảm bảo không để nước chảy qua sườn tầng thải, tầng khai thác, hạn chế tối đa nước xuống moong khai thác. Các đơn vị khai thác hầm lò tăng cường kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới…
Cùng với đó, Sở NN&PTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến hoàn lưu sau bão, thông tin đến các địa phương, đơn vị để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa lớn sau bão. Các đơn vị Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, triển khai hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu... đảm bảo ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()