Tất cả chuyên mục

Với tính cấp bách, lây lan nhanh, mạnh của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cả nước trong thời gian gần đây, ngày 20/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Văn bản số 4291/VPCP-NN về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Với việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho thấy tính cấp bách, diễn biến phức tạp, sự nguy hiểm của loại dịch gây nguy hại lớn đối với ngành Chăn nuôi này.
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở nước ta (tháng 2/2019), các bộ, ngành liên quan, tỉnh, thành phố đã tích cực tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi.
Tính đến thời điểm này, dịch đã xuất hiện ở 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn bệnh phải tiêu hủy là gần 1,5 triệu con. Đáng chú ý, có 28 xã dịch đã qua 30 ngày, thế nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh trở lại.
Tại Quảng Ninh, dịch đã xuất hiện tại 13 huyện, thị xã, thành phố với trên 35.000 con lợn phải tiêu hủy. Tỉnh đã cấp kinh phí mua trên 37.000 lít hoá chất, thiết bị hỗ trợ tiêu hủy lợn cấp phát cho các địa phương. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ các địa phương chống dịch; lập 135 chốt kiểm soát vận chuyển, trong đó có 7 chốt cấp tỉnh, 13 chốt cấp huyện, 115 chốt cấp xã. Các địa phương đã rà soát, yêu cầu 100% các hộ chăn nuôi cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch vẫn còn xuất hiện tại một số địa phương và những địa bàn có dịch qua hơn một tháng nhưng vẫn chưa thể công bố hết dịch vì phát sinh lợn bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay; quyết tâm khống chế dịch trong thời gian nhanh nhất.
Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh tâm lý chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt lợn không bị bệnh.
UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm kinh phí, nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch, nhanh chóng kiểm soát lây lan; hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, huy động các lực lượng đủ mạnh tham gia hỗ trợ khi cần thiết.
Ban Bí thư cũng yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp uỷ, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, chủ động, cụ thể, quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Với chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc “phòng, chống dịch như chống giặc” cho thấy việc đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi là vô cùng cấp bách.
Thái Bình
[links()]
Ý kiến ()