Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:25 (GMT +7)
Không ăn tinh bột, chỉ ăn ngũ cốc thô có thực sự tốt cho sức khỏe?
Thứ 3, 20/02/2024 | 15:37:00 [GMT +7] A A
Hiện nhiều người muốn giảm cân, tránh mỡ máu, huyết áp, tim mạch nên kiêng tinh bột mà không biết điều đó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho gan, thận và não bộ... Vậy ăn sao cho đúng?
Sai lầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hiện nhiều người có những quan niệm sai lầm, không ăn tinh bột, chỉ ăn ngũ cốc thô có lợi cho việc giảm lượng đường trong máu và giảm cân, tránh bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
Chính vì vậy có không ít người đã thay hoàn toàn các loại cơm gạo trắng, bún gạo... bằng các loại ngũ cốc thô. Tuy nhiên nếu ăn các loại ngũ cốc, hạt thô quá nhiều sẽ rất dễ dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe.
Bác sĩ Tuấn phân tích, không nên giảm cân bằng cách cắt giảm tinh bột. Bởi những thực phẩm chứa nhiều tinh bột đều có giá cả phải chăng và cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho gan và thận.
Đồng thời, nguồn năng lượng duy nhất cho các tế bào thần kinh trung ương là lượng đường trong máu. Cắt giảm thức ăn chứa nhiều tinh bột đồng nghĩa với việc cắt giảm thức ăn cho não, khiến não trì trệ, mệt mỏi.
Chính vì vậy, việc cắt giảm tinh bột để giảm cân là điều không nên. Chúng ta chỉ nên bổ sung các loại hạt thô vào khẩu phần ăn, giảm bớt lượng tinh bột trắng để tăng cảm giác no, đồng thời cũng cung cấp đầy đủ dưỡng chất, chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Hơn nữa, trong bữa cơm đa phần mọi người đều có thói quen lựa chọn ăn thực phẩm tinh bột đầu tiên trong mỗi bữa ăn vì chúng có thể nhanh chóng mang lại cảm giác no. Tuy nhiên, đây không phải thứ tự ăn lành mạnh và dinh dưỡng.
Thứ tự ăn đúng trong mỗi bữa cơm là: canh, rau, thịt, tinh bột. Bởi khi dạ dày rỗng sẽ kích thích sự thèm ăn, người ta thường có xu hướng ăn nhanh và khó kiểm soát lượng thực phẩm hấp thụ.
Nếu lúc này lựa chọn ăn tinh bột hoặc các thực phẩm chứa nhiều chất béo, protein sẽ dễ dẫn đến tình trạng hấp thụ quá mức cần thiết, không tốt cho sức khỏe.
Chính vì vậy nên ăn rau trước. Đặc biệt đối với người cao tuổi, có thể uống một chút canh đầu bữa để có thể thúc đẩy tiết dịch tiêu hóa, hạn chế việc thực phẩm kích thích niêm mạc dạ dày một cách quá mức.
Sau khi uống canh, dạ dày đã no một nửa, lúc này có thể ăn thêm những thực phẩm chứa nhiều calo như các loại thịt để bổ sung protein cần thiết cho cơ thể.
Đồng thời, ăn thêm cơm lúc này có thể giảm thiểu nguy cơ lượng đường trong máu tăng một cách đột ngột cũng như giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
Đặc biệt, những thực phẩm chứa nhiều tinh bột khi được chế biến bằng phương pháp chiên xào với nhiều dầu mỡ như mì xào, cơm rang, các loại bánh rán… không chỉ tăng lượng mỡ và calo cho cơ thể mà trong quá trình chiên rán, vitamin, khoáng chất cũng bị phá hủy rất nhiều khiến thực phẩm mất đi các chất dinh dưỡng vốn có.
Cùng với đó, khi tinh bột được chiên rán ở nhiệt độ cao có thể tạo ra acryline - một chất có thể gây ung thư cho con người.
Gan, máu dễ nhiễm mỡ
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, nhấn mạnh dinh dưỡng là phần sống còn của cơ thể, là điều kiện cơ bản để một cơ thể sống tồn tại.
Ăn đủ dinh dưỡng rất quan trọng vì giúp ta đạt được sự khỏe mạnh. Cả thừa và thiếu dinh dưỡng đều gây ra bệnh tật. Có ba thành phần dinh dưỡng cơ bản mang lại năng lượng là chất đường, chất đạm và chất béo. Trong một bữa ăn cần phải có đủ cả ba chất trên, đặc biệt là chất bột đường.
Chất bột đường là chất sinh năng lượng cơ bản nhất. Đây là năng lượng sống thiết yếu của tim, não, là năng lượng cho mọi quá trình sống. Xây mới cơ quan, tái tạo tế bào, vận chuyển chất, đào thải chất, nhập xuất… đều cần tới năng lượng từ chất bột đường.
Việc sinh nhiệt sưởi ấm cơ thể cũng từ chất này mà ra. Chế độ ăn chuẩn dinh dưỡng là đảm bảo: 60% chất bột đường, 20% chất đạm và 20% chất béo.
Bác sĩ Phúc phân tích, ăn kiêng bột đường dễ gây gan nhiễm mỡ và bệnh tim mạch. Bởi thông thường gan chuyển hóa đường (từ các thức ăn giàu tinh bột đường như gạo, mì, hoa quả…) để tạo năng lượng.
Nếu áp dụng kiêng tinh bột sẽ không có đủ đường để chuyển hóa, nên gan buộc phải thu thập mỡ dùng thay thế. Khi đó, mỡ được dồn về gan quá nhiều, tích tụ lại trong tế bào gan và gây ra chứng bệnh gan nhiễm mỡ.
Hơn nữa, nếu "tuyệt thực" với thực phẩm có tinh bột đường nên lượng đường trong máu quá thấp làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Hệ quả lượng acid béo đi vào máu quá nhiều làm acid béo tự do trong máu tăng, tích trữ mỡ trong gan và máu, làm tăng cholesterol xấu LDL, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Đồng thời, tăng cường các thực phẩm làm tăng vận động ruột, bổ sung các thực phẩm như đậu nành, cá biển (tăng vận chuyển mỡ xấu); rau cải, bắp cải, súp lơ (giảm hấp thu mỡ vào máu, tăng vận động ruột); trà xanh, gừng, sả (tăng tiêu tan mỡ). Một ngày 2 cốc đậu nành và 1 tuần ăn từ 3-5 lần cá hữu ích cho giảm béo.
Cách ăn tinh bột lành mạnh1. Đừng chỉ ăn một loại tinh bột: Có rất nhiều loại thực phẩm chứa tinh bột mà người trưởng thành mỗi ngày có thể ăn như gạo, các loại hạt ngũ cốc, các loại đậu, khoai… Việc ăn đa dạng tinh bột vừa bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, vừa tránh tình trạng thừa calo, cũng giúp chúng ta ngon miệng hơn. 2. Khống chế lượng tinh bột hấp thụ: Tinh bột chứa một lượng lớn calo và đường bột nên cần khống chế số lượng hấp thụ một cách hợp lý. Khuyến nghị mỗi người lớn nên ăn lượng tinh bột mỗi ngày từ 250 - 400 gram (trọng lượng khô). Tốt nhất nên phân bổ như sau: 50 gram hạt thô và các loại đậu, 50 - 100 gram khoai (trọng lượng khô - trọng lượng tươi sẽ gấp khoảng 5 lần, tức 250 - 500 gram), còn lại là gạo trắng. 3. Các thực phẩm từ tinh bột cần chế biến đơn giản: Các thực phẩm từ tinh bột nên được chế biến đơn giản, luộc hoặc hấp, hạn chế việc chế biến bằng các phương pháp khác như chiên rán, tránh gây hại cho sức khỏe. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()