Đêm đến, bé lăn lộn chà xát, gãi vào vùng da ngứa, khiến tổn thương ngày càng lan rộng, nhiễm trùng, gia đình đưa đến nhiều cơ sở thăm khám nhưng bệnh ngày càng nặng. "Mỗi lần bôi thuốc là một lần cực hình, nhìn con gào khóc vì đau rát, tôi không thể cầm lòng", chị Hoa, mẹ bé nói.
Mặt khác, do ngứa rát, mỗi đêm bé chỉ ngủ sâu 3-4 tiếng, còn lại quấy khóc, khiến bố mẹ phải thay phiên bế ẵm, dùng tay xoa dịu vết ngứa cho con. Từ việc thiếu ngủ dẫn đến tinh thần bé mệt mỏi, hay cáu gắt, ăn kém, suy dinh dưỡng còi cọc, thường xuyên ốm vặt.
Hôm 18/10, người mẹ đưa con đến Viện Da liễu điều trị bệnh viêm da, còn bản thân thì vào Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai thăm khám chứng rối loạn lo âu.
"Áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình, cộng thêm bệnh chàm của con cứ tái phát dai dẳng hết đợt này sang đợt khác, khiến tôi bế tắc, chỉ còn cách vào viện chữa bệnh tâm lý, rồi tìm cách điều trị cho con", chị Hoa tâm sự.
Trường hợp khác là chị Lan, ở Bắc Giang, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do bệnh vảy nến đột ngột tái phát khiến chị ngứa ran, đau đớn khắp người.
"Bệnh vảy nến của tôi đã điều trị ổn định nhưng một tuần nay chuyển nặng, nổi đỏ đến 70% cơ thể, thậm chí còn nứt kẽ, dày sừng kèm ngứa dữ dội", chị Lan nói, thêm rằng căn bệnh làm chị lo lắng mất ăn mất ngủ.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị Nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết thời tiết hiện nay rất bất lợi cho người bị bệnh vẩy nến hay viêm da cơ địa. Gần đây, số bệnh nhân đến khám đông hơn, tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước. Hầu hết người bệnh bị viêm da cơ địa, vẩy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ do lạnh...
Không chỉ người lớn, nhiều em bé cũng được bố mẹ đưa đến trong tình trạng da khô đỏ, ngứa diện rộng. Điển hình như bé trai 13 tháng tuổi, ở Hà Nội, nổi nốt đỏ, sần ngứa khắp hai má. Ban đầu, người mẹ tự mua thuốc về nhà điều trị, song các tổn thương trên da tiếp tục lan rộng, khiến bé ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn kém. Bé được chẩn đoán viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng (eczema) - là căn bệnh mạn tính và có liên quan cơ địa dị ứng.
Đặc biệt, nhiều trường hợp đến khám do chăm sóc chưa đúng cách, khiến tổn thương da trầm trọng. Bác sĩ Tâm ví dụ một bệnh nhân lên mạng hỏi "bác sĩ Google" rồi tự mua thuốc điều trị. Sau bôi, vết thương lan rộng, bội nhiễm khiến các bác sĩ gặp khó khăn khi "giải quyết hậu quả".
"Một sai lầm khác là người dân đun nước lá tắm. Các loại lá như trà xanh dù kháng khuẩn nhưng khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn dùng lá chà xát, khiến da bị tổn thương nặng nề", ông Tâm nói.
Ý kiến ()