Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:20 (GMT +7)
Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Đắk Lắk
Chủ nhật, 15/10/2023 | 09:39:04 [GMT +7] A A
Ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư, sinh năm 1955, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Đắk Lắk về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm liên quan hợp đồng cung ứng giống cây cao su nhập khẩu Malaysia gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng và hợp đồng môi giới bán mủ cao su để hưởng phần trăm chênh lệch xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Đắk Lắk.
Theo kết quả điều tra, ngày 24/9/2007, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Đắk Lắk, nay là Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương nhập một số giống mới của Viện nghiên cứu Malaysia và được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương nhập giống mới.
Ngày 17/10/2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk có công văn hướng dẫn Công ty cao su Đắk Lắk thực hiện thủ tục nhập khẩu giống mới. Ngày 21/1/2008, Công ty cao su Đắk Lắk và Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng kinh tế mua bán giống cây trồng. Trong đó, thể hiện Công ty cao su Đắk Lắk đồng ý mua 1,5 triệu cây giống với giá 1,2 USD/cây, thành tiền (tính cả VAT 5%) là 1.890.000 USD.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước đã giao tổng cộng 14 đợt cây giống cho Công ty cao su Đắk Lắk. Tuy nhiên, trong quá trình giao, nhận hàng có nhiều cây giống không đạt yêu cầu do bị hư hỏng thiệt hại.
Ngày 9/12/2010, đại diện Công ty cao su Đắk Lắk và Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước đã tiến hành họp thỏa thuận, thống nhất các nội dung. Theo đó, Công ty cao su Đắk Lắk đồng ý chia sẻ rủi ro với Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước với tỷ lệ 50% tổng số cây giống bị thiệt hại với số lượng 118.672 cây, quy thành tiền đã chia sẻ rủi ro là 1,38 tỷ đồng.
Ngày 29/12/2010, Công ty cao su Đắk Lắk và Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước ký phụ lục hợp đồng kinh tế với điều khoản điều chỉnh: Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước cung cấp cho Công ty cao su Đắk Lắk 500.000 giống cây cao su với đơn giá 1,5 USD, quy thành tiền (tính cả VAT 5%) là 787,500 USD.
Ngoài điều tra sai phạm về mua bán giống cây trồng, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang tiến hành điều tra liên quan đến việc Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Huỳnh Phước đi môi giới mua bán mủ cao su cho Công ty cao su Đắk Lắk để hưởng hoa hồng lên đến hàng tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2009-2011, Công ty cao su Đắk Lắk ký 3 hợp đồng nguyên tắc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Phước về việc môi giới bán hàng. Trong đó, một hợp đồng nguyên tắc ký vào ngày 20/3/2009, số hàng đã giao dịch hơn 1.128 tấn; doanh thu hơn 2,5 triệu USD; chiết khấu môi giới 3% trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Phước trên 75.276 USD.
Hợp đồng nguyên tắc tiếp theo ký ngày 9/11/2009, giao dịch trên 3.548 tấn hàng, doanh thu trên 11,7 triệu USD; chiết khấu môi giới 3% trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Phước hơn 353.677 USD. Một hợp đồng nguyên tắc khác ký ngày 5/1/2011, giao dịch trên 1.370 tấn; doanh thu hơn 6,2 triệu USD; chiết khấu môi giới 2% trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Phước là 115,698 USD.
Được biết, Công ty cao su Đắk Lắk là doanh nghiệp Nhà nước nay là Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk chuyên trồng, chế biến mủ cao su nhưng trong suốt một thời gian dài, lãnh đạo công ty đã mang vốn đi đầu tư ngoài ngành dẫn đến thua lỗ, gây thất thoát tiền nhà nước lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể như tại dự án xây dựng cụm dịch vụ khách sạn 4 sao Dakruco tại địa chỉ 30 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột, được khởi công từ tháng 1/2006, cụm dịch vụ khách sạn Dakruco nằm trong khuôn viên rộng 3,6 ha được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2009, đến nay cụm dịch vụ khách sạn Dakruco liên tiếp làm ăn thua lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu lên đến 122 tỷ đồng.
Hay như việc thành lập Công ty cổ phần Chỉ thun Đắk Lắk đóng tại Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Dự án được khởi động từ năm 2010, vào thời điểm đó, Công ty cao su Đắk Lắk góp vốn 15 tỷ đồng, chiếm 35,29% vốn, ông Huỳnh Bảo Minh (con trai ông Huỳnh Văn Khiết, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Đắk Lắk) góp 12 tỷ đồng, chiếm 28,24%, các cổ đông còn lại góp từ 2,5 đến 9 tỷ đồng. Sau một thời gian đi vào hoạt động, Công ty cao su Đắk Lắk tiếp tục rót vào công ty này số tiền 135,5 tỷ đồng với danh nghĩa... cho vay. Đến hết năm 2014, công ty này đã làm ăn thua lỗ hơn 90 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 80% tổng giá trị tài sản.
Một dự án khác là dự án Khu du lịch sinh thái Bản Đôn tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, là dự án được Công ty cao su Đắk Lắk tiếp nhận từ Sở Thương mại và Du lịch Đắk Lắk từ năm 2004 để đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Công ty cao su Đắk Lắk đã bỏ ra 86,7 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục trong khu du lịch nhưng liên tiếp làm ăn thua lỗ hơn 26 tỷ đồng, trong đó có hơn 10 tỷ đồng của Công ty cao su Đắk Lắk.
Hậu quả để lại tại dự án này là khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng bị mục nát, hơn 1.300ha rừng được Nhà nước giao cho Công ty cao su Đắk Lắk bị chặt phá tan hoang, hàng chục lao động bị mất việc và nợ lương...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()