Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:06 (GMT +7)
Khởi tố 37 đối tượng trong đường dây ma tuý do Oanh ‘Hà’ cầm đầu
Thứ 5, 22/06/2023 | 18:13:35 [GMT +7] A A
Ngày 22/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) thông tin, liên quan đến vụ án Vũ Hoàng Oanh (chị gái Dung “Hà”) cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma tuý, cơ quan điều tra đã khởi tố 37 bị can.
Bắt anh chồng Oanh “Hà”
Theo tài liệu điều tra vụ án do Vũ Hoàng Oanh tức Oanh “Hà” (65 tuổi, ở Hải Phòng, chị gái của Dung “Hà” - trùm giang hồ đất cảng một thời) cầm đầu. Vào tháng 9/2022 tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành bắt người phạm tội quả tang đối với Nguyễn Thành Thắng về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mở rộng điều tra, đã tiến hành bắt khám xét tại 8 địa điểm tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Hà Nội, Hải Phòng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành thu giữ 40 kg ma túy đá và 46 bánh heroin. Tại Hà Nội, thu giữ 1 kg ma túy đá, 1 kg ketamin và các đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cơ quan chức năng nước bạn bắt giữ Vũ Hoàng Oanh và Nguyễn Ngọc Sơn là 2 đối tượng truy nã đặc biệt, truy nã quốc tế.
Đến nay, quá trình điều tra đến nay đã khởi tố tổng số 37 bị can. Tổng số ma túy các đối tượng đã vận chuyển, mua bán, tiêu thụ là 1,6 tấn gồm heroin, ketamin, methamphethamine từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ trong nước và vận chuyển ra nước ngoài.
Mở rộng điều tra vụ án trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã bắt giữ đối tượng truy nã Phạm Công Giản (SN 1958) là anh chồng của đối tượng Vũ Hoàng Oanh. Đối tượng Phạm Công Giản có vai trò đắc lực trong đường dây do Vũ Hoàng Oanh cầm đầu.
Quá trình hoạt động mua bán ma tuý, Giản đã sang Campuchia cùng Vũ Hoàng Oanh và đồng bọn câu kết với một số đối tượng người Việt và người Campuchia, hầu hết những đối tượng này đều là đối tượng có lệnh truy nã tại Việt Nam, tiếp tục củng cố lực lượng để hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam.
Đối tượng này thường xuyên qua lại các sòng bài khu vực giáp biên giới Việt Nam – Campuchia để lẩn trốn và tuyển dụng đàn em thân tín phục vụ việc buôn bán ma túy về Việt Nam. Đồng thời làm giấy tờ giả để che mắt lực lượng chức năng.
Ngày 28/11/2022, C04 đã xác lập chuyên án bí số 958-G để đấu tranh với đối tượng Phạm Công Giản. Cử tổ công tác về Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Tây Ninh, Đắk Lắk và một số tỉnh thành khác để xác minh thông tin về đối tượng.
Xác định trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay Phạm Công Giản nhiều lần xuất hiện tại sòng bài tại Campuchia, nơi Vũ Hoàng Oanh thu nhận đàn em. C04 đã cử tổ công tác phối hợp cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại nước ngoài để xác minh, truy bắt đối tượng Phạm Công Giản.
Ngày 27/12/2022, C04 đã bắt giữ thành công đối tượng Phạm Công Giản khi đang lẩn trốn tại địa bàn biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Thủ đoạn tinh vi
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ma túy, đặc biệt là đối tượng chủ mưu, cầm đầu của tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong thời đại hiện nay, đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.
Các ông trùm, bà trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây. Do đó, mặc dù không cần chỉ đạo trực tiếp (không cần ra mặt), nhưng ở bất cứ nơi đâu các đối tượng cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ.
Trong vụ án trên, Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”) là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước tiếp tục hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cho biết thêm,công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng đó là: Hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, wechat, Signal... , sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như: của nước Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.
Dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...).
Dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng video call chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh như: Mưu, Ốc, Vít, Mẩy, Khẹc, Tép, Búa, Kìm...., để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.
Lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục Hải Quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng thuê các công ty logictic làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Bên cạnh đó, đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng “ngoại phạm” chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những “sơ hở” của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như: Giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt”, thông cung, thậm chí tự sát ....
Tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ trong từng khâu nhưng triệt để sử dụng thủ đoạn “ngắt đoạn” trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý triệt để.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()