Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:47 (GMT +7)
Khơi thông tín dụng chính sách
Thứ 7, 14/08/2021 | 09:20:58 [GMT +7] A A
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng.
Được biết, ngay từ đầu năm, ngân sách tỉnh đã bố trí nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh là 80 tỷ đồng để thực hiện cho vay giải quyết cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay đạt 449,1 tỷ đồng, tăng 80,98 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Song song với đó, thời gian qua, từ tỉnh đến địa phương còn quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP Móng Cái... nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngân hàng, phục vụ nhân dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đang chuyển động mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, chắp cánh cho ước mơ làm giàu của người dân. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 3.402,5 tỷ đồng, tăng 130,2 tỷ đồng (3,98%) so với đầu năm, với 69.957 khách hàng còn dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng như: Cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Bằng các giải pháp đồng bộ, chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nợ quá hạn và nợ khoanh 2,1 tỷ đồng, giảm 0,63 tỷ đồng so với đầu năm. Một số đơn vị tiếp tục duy trì không có nợ quá hạn: Ba Chẽ, Tiên Yên, Cẩm Phả... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 1.197 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình, 7.244 lượt hộ gia đình vay vốn để xây dựng sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh, 8.059 lượt hộ vay vốn giúp giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 10.000 lao động...
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn. Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: 4/5 chương trình cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình và người lao động như: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... đang bị thu hẹp đối tượng do các hộ đã thoát khỏi diện nghèo hoặc không còn địa bàn các xã vùng khó khăn. Vì vậy, năm 2021 nguồn vốn của chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn dự kiến thu hồi chuyển trả về Trung ương khoảng 321 tỷ đồng tương ứng với 8.749 hộ vay vốn.
Nguồn vốn giảm trong khi nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của hộ gia đình đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu ngày càng tăng. Hiện, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các địa phương đã tiếp nhận khoảng 932 hồ sơ của khách hàng số tiền 60 tỷ đồng nhưng chưa có nguồn để giải ngân. Bên cạnh đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do, lao động có thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động nhiều nhất do đại dịch Covid-19. Hy vọng rằng, các cấp, ngành Trung ương và địa phương sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()