Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:19 (GMT +7)
Khơi thông tiêu thụ nông sản, thủy sản
Thứ 4, 15/09/2021 | 09:46:05 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua với sự nỗ lực đồng hành của các Bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương, một lượng lớn nông sản, thủy sản được kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần gỡ khó cho người dân, đặc biệt nông dân. Tuy nhiên, theo đại diện các địa phương, hiện nay vẫn còn lượng lớn nông, thủy sản đang trong thời điểm thu hoạch cần tiếp tục kết nối tiêu thụ từ nay đến cuối năm.
Tồn tại nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông, thủy sản
Phát biểu tại Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh" diễn ra ngày 14/9, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, lượng nông sản còn chờ thu hoạch trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Bến Tre còn trên 35.000 tấn trái cây, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp cùng sản lượng lớn thủy hải sản như tôm, nghêu, sò…
Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, sản lượng lúa sẽ thu hoạch của tỉnh này là 367 nghìn tấn. Bên cạnh đó là 150 nghìn tấn hoa màu thu hoạch trong tháng 9; trong tháng 10 và 11 khoảng 112 nghìn tấn/tháng và tháng 12 là 125 nghìn tấn. Ngoài ra, Trà Vinh còn có trên 100 nghìn tấn trái cây và khoảng 105 nghìn tấn thủy, hải sản cần được tiêu thụ trong thời gian tới.
Đến thời điểm này, những khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhìn chung đã được tháo gỡ khá nhiều với sự vào cuộc tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, nghình liên quan, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp...
Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều hệ thống phân phối lớn vẫn đang thiếu hụt nguồn hàng ở một số nhóm hàng nông sản, thực phẩm, hoặc một số địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ một số loại nông sản.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại của MM Mega Market, cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải ngừng hoạt động vì không bảo đảm "3 tại chỗ". Những nhà máy còn hoạt động thì bị giảm công suất khá nhiều do số lượng công nhân tham gia bị hạn chế, cùng với chi phí tăng cao. Các nhà máy này lại đang ưu tiên thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, MM Mega Market đang thiếu hụt nguồn hàng thủy sản đông lạnh.
Trước đây, các mặt hàng thực phẩm khô, đồ hộp của MM Mega Market chủ yếu được cung cấp từ các nhà máy chế biến nông, thủy sản ở Tiền Giang. Nhưng hiện hầu hết các nhà máy này đã phải ngừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch của địa phương nên MM Mega Market đang bị “đứt” nhiều mặt hàng khô, đồ hộp.
Khơi thông tiêu thụ nông, thủy sản
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, ở thời điểm trước dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố vào khoảng 10-12 nghìn tấn thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Trong đó, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể chiếm tới 8-9 nghìn tấn/ngày. Còn lại là các kênh phân phối hiện đại, kênh bình ổn giá...
Chính vì vậy, để góp phần quan trọng vào việc khơi thông tiêu thụ nông, thủy sản đồng bằng sông Cửu Long cũng như đáp ứng được nhu cầu của ngươi dân TP Hồ Chí Minh, việc mở dần lại kênh phân phối truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Phương cho biết, việc điểm tập kết hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền vừa được thí điểm mở cửa trở lại trong những ngày qua cho thấy rõ điều này. Trong ngày đầu tiên, lượng thủy sản, rau củ được tập kết về đây là 28 tấn và liên tục tăng lên trong những ngày sau đó. Hiện đã lên tới trên 100 tấn/ngày. Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đang làm việc với các đơn vị liên quan để mở lại điểm tập kết nông, thủy sản ở các chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức.
Việc TP Hồ Chí Minh cho phép các sàn thương mại điện tử được hoạt động trở lại, shipper công nghệ được di chuyển liên quận, cũng được kỳ vọng là góp phần không nhỏ làm gia tăng lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan bảy tỏ trăn trở, day dứt khi thấy nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng nông, thủy sản trong khu vực bị đứt gãy, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng. Nhiều ruộng tôm, ao cá, lúa ngoài đồng đến kỳ thu hoạch nhưng không bố trí được nhân lực vì giãn cách xã hội từ đầu tháng 7/2021.
"Không có khuôn phép, quy chuẩn nào ứng xử với dịch Covid-19. nghình nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung phải chấp nhận vừa đi vừa dò đường, chấp nhận sai sót để vừa sửa để hoàn thiện. Không thể trông chờ một cách vận hành bình thường trong điều kiện không bình thường này", Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu nghình nông nghiệp, toàn thế giới đang hướng đến tình hình bình thường mới, khi vaccine được tiêm trên diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng. Trong xu thế ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Dù kết quả chưa đạt kỳ vọng như trước đại dịch, mọi thành phần trong xã hội, từ người dân, chính quyền, đến doanh nghiệp đều phải chung tay giảm thiểu rủi ro để hướng tới ngày mai xán lạn hơn.
Trên quan điểm ấy, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần xem lại vai trò của thương lái trong các hoạt động mua bán, kinh doanh và chế biến nông, thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông coi đây là thành phần cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, góp phần gia tăng giá trị thặng dư và đem lại nhiều lợi ích cho các chuỗi giá trị.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()