Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:29 (GMT +7)
Khơi thông chuỗi liên kết, tiếp sức doanh nghiệp
Chủ nhật, 17/10/2021 | 08:30:22 [GMT +7] A A
Thúc đẩy, "tiếp sức" các doanh nghiệp OCOP, nông, thuỷ sản bằng các giải pháp tháo gỡ, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại... là các giải pháp mà ngành chức năng của tỉnh đang tiến hành để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Theo đánh giá, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên các mặt đời sống, kinh tế xã hội. Trong đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông thuỷ sản ở các địa phương, các cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không ít các sản phẩm là sản phẩm OCOP như: Cá song, hàu, ngao… bị tồn đọng.
Đơn cử như trước dịch, vựa nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn có 3.500ha, tồn 300.000 tấn hàu, 4.800 lồng cá. Giá sản phẩm giảm sâu, người nuôi trồng bị đọng vốn nghiêm trọng. Đây không chỉ là thực trạng ở Vân Đồn.
“Thị trường trong nước và xuất khẩu đình trệ khiến chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy, sản xuất hạn chế, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân. Vì thế, khơi thông chuỗi tiêu thụ cùng giải pháp lâu dài là cách “tiếp sức” hiệu quả cho doanh nghiệp” - ông Trần Phong, Trưởng phòng Quản lý Công thương, Sở Công thương cho biết trong chuyến khảo sát hỗ trợ tiêu thụ thuỷ sản ở Vân Đồn tháng 9/2021.
Trước thực trạng đó, ngành công thương, nông nghiệp phối hợp với các địa phương đã có nhiều giải pháp linh hoạt, tích cực kết nối tiêu thụ nội địa, đa dạng hoá sản phẩm, tìm nguồn xuất khẩu… Nhờ cách làm đó, chỉ trong gần 1 tháng (từ 15/9 đến ngày 7/10), toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 3.200 tấn thủy sản các loại, đem lại nguồn thu gần 35 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành công thương cũng thúc đẩy, vận động các doanh nghiệp tham gia vào chế biến sâu, tạo sản phẩm mới dễ tiêu thụ; cùng các địa phương kết nối thêm nguồn xuất khẩu; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến... Không dừng lại ở đó, gần đây, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, đã có nhiều hoạt động XTTM được tổ chức. Tiêu biểu là Tuần tiêu thụ nông thuỷ sản Quảng Ninh ở Móng Cái, Hải Hà đầu tháng 10 vừa qua. Tại Móng Cái (từ 1 tới 3/10) sự kiện đã thu hút 8.000 lượt người tham gia, doanh thu bán hàng đạt 980 triệu đồng, trong đó khu gian hàng OCOP đạt 820 triệu đồng, hàng thủy sản đạt 160 triệu đồng. Sự kiện tại Hải Hà cũng thu hút trên 3.500 lượt người tham dự.
Với quy mô chủ yếu là các gian hàng OCOP (25 gian), các sự kiện này thực sự đã tạo không khí sôi động, kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. “Chúng tôi mong các hoạt động này không chỉ là "cầu nối" tiếp sức, hồi sinh doanh nghiệp OCOP mà còn giúp kích cầu, khôi phục sản xuất và gắn chuỗi sản xuất - tiêu thụ với kích cầu du lịch, dịch vụ từ nay tới cuối năm 2021” - ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Phát triển Công thương chia sẻ.
Quả thật, qua các sự kiện này, nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh như: Nước mắm Nam Hải (Uông Bí), bánh kẹo Tiên Yên, sữa tươi, mật ong, chè… đưa lại doanh thu cho doanh nghiệp trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/sự kiện. Với kết quả khả quan đó, nhiều sự kiện xúc tiến thiết thực khác sẽ tiếp tục được nối dài, như Tuần tiêu thụ nông thuỷ sản, tuần lễ hàng Việt ở Cẩm Phả, Ba Chẽ, Uông Bí cuối tháng 10 đầu tháng 11.
Đặc biệt, một hội chợ OCOP quy mô khoảng 300 gian hàng sẽ được tổ chức tại TP Hạ Long vào tháng 11/2021. Đồng thời với đó ngành Công thương tiếp tục triển khai các kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hoạt động XTTM nội tỉnh quý IV/2021. Việc liên tục có các cách làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sôi động các hoạt động XTTM trong tình hình mới sẽ là nền tảng để hồi phục sản xuất, chuỗi tiêu thụ, cung cầu.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()