Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:34 (GMT +7)
Khôi phục sản xuất lâm nghiệp
Thứ 4, 23/10/2024 | 15:00:29 [GMT +7] A A
Bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại cho ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh ước trên 6.400 tỷ đồng với hơn 117.000ha rừng bị gãy đổ từ 30-100%. Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất lâm nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách, chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện việc rà soát, kiểm đếm, lập danh sách hỗ trợ, giúp người dân, các công ty lâm nghiệp tận thu diện tích rừng trồng, thu dọn hiện trường phòng chống cháy rừng mùa hanh khô.
Ba Chẽ là một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3, với trên 18.600ha, hơn 3.400 hộ dân, đơn vị, công ty lâm nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là cây keo có độ tuổi từ 2 đến 6 năm bị gãy đổ; ước thiệt hại khoảng 550 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có diện tích thiệt hại lớn, hiện việc thuê nhân công gặp khó khăn, không thể thực hiện tận thu cây gãy đổ dẫn đến nguy cơ mất trắng khi thời tiết ngày càng hanh khô.
Cùng với việc chủ động của các chủ rừng, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Chẽ triển khai kế hoạch giúp các hộ trồng rừng và các công ty lâm nghiệp dọn vệ sinh, khai thác tận thu gỗ rừng bị gãy đổ.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình bà Bàn Thị Lâm (thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc) tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành tận thu diện tích keo của gia đình. Với 2,5ha keo trồng được 4 năm bị gãy đổ hoàn toàn, gia đình ước tận thu được khoảng 20% giá trị diện tích. Theo bà Lâm, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình dự kiến tới đây sẽ thu hoạch khoảng 50 tấn keo, thu khoảng 250 triệu đồng. Tuy nhiên, do cơn bão số 3 vừa rồi thì gần như mất trắng chỉ vớt vát được một chút. Hy vọng, với chính sách của Nhà nước, gia đình sẽ phần nào vơi bớt được khó khăn, có điều kiện để khôi phục lại sản xuất.
Theo ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã rà soát, thống kê lập hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định 1568/QĐ-UBND (ngày 18/5/2017) của UBND tỉnh; tổ chức họp hướng dẫn các xã, thị trấn lập hồ sơ hỗ trợ đối với các gia đình trồng rừng để sớm khôi phục lại sản xuất. Tính đến nay, huyện đã nhận được giấy báo của 2.530 hộ có diện tích rừng bị thiệt hại với 14.125ha. Trong đó, các địa phương trên địa bàn huyện đã rà soát, kiểm đếm, thẩm định đối với trên 3.300ha của gần 700 hộ gia đình; lập hồ sơ hỗ trợ đợt 1 đối với gần 2.600ha của 606 hộ. Các diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 882ha, trên 70% là hơn 1.700ha với dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 8,6 tỷ đồng. Đối với 1.924 hồ sơ với 11.636ha còn lại, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn giải quyết thủ tục, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, kiểm đếm chính xác, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người dân; đề nghị các đơn vị thu mua gỗ hỗ trợ tích cực người dân, các công ty chế biến lâm sản nâng cao năng lực sản xuất, tăng sản lượng trong việc thu mua gỗ và tránh tình trạng ép giá.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng trực tiếp sinh sống, sản xuất kinh doanh bằng nghề rừng, ngày 1/10, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2832/UBND-KTTC về việc phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Với phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng từ các đơn vị vũ trang, kiểm lâm, thanh niên xung kích tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng sau bão, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/10/2024.
Thực hiện đợt cao điểm này, hiện các địa phương có rừng đang tập trung thực hiện hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản sau bão. Điển hình, huyện Đầm Hà tăng cường thông tin đến người dân, các đơn vị, công ty lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các địa phương bố trí lực lượng hỗ trợ tối đa cho các hộ trồng rừng; Ban Quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp thực hiện việc dọn dẹp, tận thu lâm sản, phát quang thực bì, làm đường băng cản lửa hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Toàn huyện có gần 4.000ha rừng bị đổ gãy trong cơn bão số 3, chủ yếu cây keo, bạch đàn, quế, ước thiệt hại gần 150 tỷ đồng. Để khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất lâm nghiệp, cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, huyện cũng đang tích cực triển khai các phương án, định hướng trồng mới, thay thế diện tích rừng bị hư hại.
Về lâu dài, trên cơ sở tham mưu của Sở NN&PTNT về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, sẽ cơ cấu lại giống cây trồng lâm nghiệp. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi các ngân hàng, kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...
Mai Hương
Liên kết website
Ý kiến ()