Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 20:57 (GMT +7)
Khôi phục những cánh rừng sau bão
Thứ 7, 21/09/2024 | 05:08:09 [GMT +7] A A
Quảng Ninh vừa chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Cùng với ngành nuôi trồng thuỷ sản thì lĩnh vực lâm nghiệp cũng chịu sự tàn phá tàn khốc của bão YAGI. Những cánh rừng mà bão đi qua trở nên tan hoang, nhiều nơi bị xóa sổ hoàn toàn, tàn dư còn lại là những cây rừng gãy ngang thân, bật gốc, đổ gập… Cuộc sống của những người trồng rừng cũng gặp nhiều khó khăn, sinh kế lâu dài bị ảnh hưởng.
Bão YAGI với cường độ quá mạnh đã khiến hầu hết các cây xanh đô thị bị gãy hoặc bật gốc. Ước tính, 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ. Cùng chung tình cảnh, những cánh rừng ở các địa phương như Hạ Long, Tiên Yên, Vân Đồn… cây cũng gãy, đổ rạp, khiến ngành lâm nghiệp nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão.
Theo thống kê, bão số 3 đã làm thiệt hại trên 117.600ha rừng trên địa bàn tỉnh. Rừng trồng bị thiệt hại chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc. Trong đó diện tích rừng từ 1-5 năm tuổi bị gãy đổ, người dân sẽ gần như mất trắng, không thể tận thu; đối với diện tích rừng từ 5 năm tuổi trở lên, có thể tận thu được khoảng 40% giá trị đầu tư.
Như tại TP Hạ Long, địa phương có trên 86.000ha rừng và đất rừng, theo ghi nhận ban đầu, nhiều cánh rừng đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nhiều chủ rừng trắng tay khi sau nhiều năm trồng và chăm sóc. Hiện tại, các doanh nghiệp và người dân đều đang bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại. Như tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ có tổng 3.600ha rừng sản xuất thì có tới 1.600ha đã bị xóa sổ hoàn toàn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Cũng giống như TP Hạ Long, người trồng rừng huyện Vân Đồn cũng chịu thiệt hại nặng do bão số 3 gây ra. Huyện có tổng diện tích rừng và đất rừng khoảng 15.000ha. Tuy số lượng thiệt hại hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng dự báo là rất lớn. Đơn cử như Công ty TNHH 1TV lâm nghiệp Vân Đồn có khoảng 200ha rừng thông nhựa đang khai thác, sau bão khoảng 40% diện tích cây rừng bị dập gãy ngang thân, đổ, bật gốc. Việc phục hồi sau bão của ngành lâm nghiệp chắc chắn cần nhiều thời gian, công sức và chi phí đầu tư.
Bão YAGI cũng làm cho nhiều cánh rừng trên địa bàn huyện Tiên Yên bị tàn phá. Huyện có trên 53.000ha rừng và đất rừng, siêu bão quét qua đã làm gần 10.000ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ. Tiên Yên hiện có 5.000ha rừng phòng hộ, ước thiệt hại với loại rừng này cũng rất lớn.
Những ngày sau bão, các hộ trồng rừng tranh thủ tận thu những cây rừng bị gãy đổ ngang thân, bật gốc, để bán gỗ kiếm lại ít vốn tái tạo. Tuy nhiên, số lượng gỗ thu được chỉ khoảng 40%, do chất lượng của gỗ không đảm bảo, giá trị thu mua cũng chỉ được khoảng 20% so với thông thường.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp gắn bó với nghề rừng bao đời nay. Sau khi bão YAGI qua đi, nhiều người trồng rừng gặp rất khó khăn, nhất là thu dọn lại những cánh rừng, vốn để tái sản xuất, trồng rừng và khoản tiền vay vốn trồng rừng còn đang nợ ngân hàng. Hiện các hộ, doanh nghiệp trồng rừng rất mong chờ chính sách để có thể vượt qua khó khăn như tạo điều kiện vay vốn tái sản xuất; thực hiện giãn nợ; miễn giảm tiền thuế đất. Tại cuộc họp của UBND tỉnh bàn phương án khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau bão số 3, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ với những thiệt hại, mất mát to lớn đối với nhân dân trong tỉnh và nhất là các hộ dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng chí yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị làm tốt công tác thống kê để chốt hồ sơ và làm rõ con số thiệt hại của lâm nghiệp. Các địa phương, đơn vị thực hiện triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đã có của tỉnh hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trong tỉnh vực lâm nghiệp. Bám sát nghị quyết mới của Chính phủ về khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 để triển khai chính sách hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp trồng rừng.
Sau cơn bão YAGI, từ rừng sản xuất đến rừng phòng hộ đều chịu cảnh tan hoang. Người trồng rừng đang mong chờ những chính sách hỗ trợ để sớm khôi phục lại sản xuất, làm xanh lại những cánh rừng.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()